Ngày 15/11, các quan chức Mỹ và Afghanistan chính thức bắt đầu các cuộc thảo luận về Hiệp định An ninh song phương (BSA). Trọng tâm của các cuộc thảo luận này là xác định tương lai của lực lượng Mỹ tại quốc gia Nam Á sau năm 2014, thời điểm NATO sẽ rút hầu hết lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan.

Theo Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Eklil Hakimi, tiến trình đàm phán được khởi động sau khi hai nước ký kết “Thỏa thuận Đối tác chiến lược” nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Afghanistan hồi đầu tháng 5 vừa qua. Hiệp định An ninh song phương được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng quân sự cũng như dân sự của Mỹ tiếp tục hiện diện tại quốc gia Nam Á trong ít nhất vài năm nữa, theo sự cho phép của Chính phủ Afghanistan.

linh%20my.jpg
Lính Mỹ tại Afghanistan (Ảnh: AFP)

Trưởng phái đoàn đàm phán Mỹ James Warlick, Phó Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan và Pakistan khẳng định: “Văn kiện này được định hướng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng vũ trang Mỹ và các thành phần dân sự của Mỹ tiếp tục có mặt tại Afghanistan theo sự phê chuẩn đầy đủ của Chính phủ Afghanistan. Văn kiện cũng đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về một mối quan hệ an ninh ràng buộc, một đối tác an ninh lâu dài với Afghanistan, điều mà chúng tôi tin tưởng sẽ phục vụ lợi ích của cả hai nước”.

Theo một số nguồn tin, bên cạnh việc xác định cơ cấu lực lượng Mỹ, các cuộc đàm phán được đánh giá là “gai góc” lần này giữa Mỹ và Afghanistan còn phải giải quyết một vấn đề được coi là khá “hóc búa” nữa là việc trao quyền miễn trừ đối với các binh sỹ Mỹ tại Afghanistan. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai từ lâu đã yêu cầu các binh sỹ Mỹ phải được đặt dưới sự kiểm soát và xét xử của luật pháp Afghanistan. Tuy nhiên, Chính quyền Mỹ một mực yêu cầu phải xét xử các binh sỹ Mỹ phạm tội ở Afghanistan tại các tòa án Mỹ, chứ không phải ở nước sở tại.

Giới phân tích nhận định, đối thoại Hiệp định An ninh song phương Mỹ - Afghanistan lần này còn gặp một trở ngại lớn nữa là sự bất đồng và tranh luận trong nội bộ Afghanistan cũng như các nước láng giềng. Nhiều chính khách Afghanistan muốn quân đội Mỹ tiếp tục duy trì tại nước này để hỗ trợ việc trấn áp các lực lượng nổi dậy, đặc biệt là tàn quân Taliban. Tuy nhiên, một số chính khách khác lại có quan điểm ngược lại khi yêu cầu chấm dứt hoàn toàn vai trò của binh sỹ nước ngoài, trong đó có binh sỹ Mỹ, tại Afghanistan sau năm 2014.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Afghanistan là Iran cảnh báo rằng, sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ tại Afghanistan sẽ gây bất ổn cho khu vực./.