Theo AFP, các quan chức hàng không Nepal cho biết, trong sự cố xảy ra ngày 4/3 đã không có hành khách nào trên máy bay bị thương. Tuy nhiên, một nhân chứng kể lại, các hành khách đã rất hoảng sợ và nhiều người đã nhảy ra khỏi ghế ngồi khi khoang máy bay có đầy khói. 

may_bay_kyuw.jpgPhần đầu chiếc máy bay Turkish Airlines chúi xuống sau khi hạ cánh (Ảnh AFP)

Người phát ngôn sân bay Purna Prasad Chudal ngày 4/3 tuyên bố, sân bay này đã tạm đóng cửa và chỉ có các máy bay trực thăng mới được phép hoạt động tại đây.

Ông Chudal cho biết, khi xảy ra sự cố, tầm nhìn tại sân bay này khá tốt dù trước đó có sương mù. 

Cũng theo ông Chudal, trong lần hạ cánh đầu tiên, viên phi công này đã bay lố đường băng và trong lần thứ hai thì máy bay đã trượt khỏi đường băng lao ra bãi cỏ gần đó. 

“Cả 224 hành khách đã được sơ tán và không ai bị thương. Mọi người đều được an toàn”, Tổng Giám đốc sân bay Birendra Prasad Shrestha cho biết. 

Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy phần đầu máy bay đã chúi xuống đất và các báo địa phương đưa tin càng máy bay đã bị gãy. 

Anh Dikesh Malhotra, một hành khách trên chuyến bay, cho biết, tác động của sự cố trên đã khiến nhiều túi hành lý rơi vào người hành khách, những người đang co rúm người vì sợ trên ghế ngồi chờ đợi cho đến khi máy bay dừng hẳn lại. 

“Chúng tôi đều cảm nhận được tiếng lốp siết mạnh xuống đường băng. Tôi còn thấy một tiếp viên đến gần ghế ngồi của tôi. Lúc ấy mắt cô ấy đẫm nước mắt”, anh Malhotra chia sẻ. 

“Nhiều hành khách đã đứng lên và không ngừng la hét yêu cầu được mở cửa máy bay. Sau đó họ được thông báo phải sơ tán nhưng ai cũng thấy nhẹ cả người”, anh Malhotra nói thêm. 

Người phát ngôn sân bay Chudal cho biết, các quan chức Nepal sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân sự cố nói trên và sẽ thẩm vấn viên phi công. 

“Máy bay được phép hạ cánh và dù trước đó trời có sương mù, tầm nhìn vẫn rất tốt. Chúng tôi không rõ điều gì đã xảy ra”, ông Chudal nói. 

Nepal là quốc gia nổi tiếng vì có những đường băng rất khó hạ cánh. Các đường băng này thường bị bao phủ bởi tuyết khiến ngay cả các phi công kỳ cựu cũng cảm thấy bất an. 

Chính vì vậy, sau nhiều sự cố khi máy bay bị hạ cánh, Liên minh châu Âu đã buộc phải liệt các hãng hàng không Nepal vào danh sách cấm bay và Chính phủ Nepal năm 2014 đã tuyên bố kế hoạch xây dưng thêm các hệ thống radar và hệ thống dự báo thời tiết để cập nhật thông tin mới nhất cho các phi công. 

Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, một chiếc máy bay của hãng Nepal Airlines đã lao xuống khu vực đồi núi ở phía Tây nước này khi trời mưa to khiến cả 18 hành khách trên máy bay thiệt mạng./.