Đây được coi là thời điểm mang tính quyết định đối với Macedonia bởi nó sẽ mở đường cho quốc gia vùng Balkan này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

zoran_zaev_sgol.jpg
Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev. Ảnh: Reuters

Từ lâu, Macedonia mong muốn được gia nhập hai tổ chức quan trọng là EU và NATO giống như nước láng giềng Albania vì mục tiêu duy trì an ninh và tạo dựng ổn định để phát triển. Nhưng tranh cãi lãnh thổ với Hy Lạp vốn có một tỉnh phía Bắc trùng tên với Macedonia đã buộc chính phủ của cựu Thủ tướng Nikola Gruevski từ bỏ kế hoạch hơn 10 năm trước đây và thay vào đó là một chiến lược cải cách cấp tiến, dẫn tới điều mà các nhà phân tích cho là sự xói mòn nền dân chủ và nguyên tắc pháp quyền cùng sự gia tăng nạn tham nhũng ở nhiều nơi.

Không giống như người tiền nhiệm, sau khi lên nắm quyền vào năm 2017, Thủ tướng Zoran Zaev cùng đảng Dân chủ xã hội của ông tin rằng, đã đến lúc phải phá vỡ thế bế tắc, đưa Macedonia  trở lại qũy đạo cải cách và lấy lại niềm tin trong con mắt của các nhà đầu tư.

Sau nhiều nỗ lực đàm phán, ngày 17/6 vừa qua, Macedonia và nước láng giềng Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận tại thị trấn Prespa của Hy Lạp về việc đổi tên nước của Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Thỏa thuận này, hay còn được gọi là thỏa thuận Prespa, được đánh giá mang tính lịch sử, bởi nó sẽ đặt dấu chấm hết đối với tranh cãi kéo dài gần ba thập kỷ với Hy Lạp, dọn đường cho Macedonia bước vào ngôi nhà chung của EU và NATO.

Chưa đầy một tháng sau, ngày 11/7, NATO đã chính thức đưa ra lời mời Macedonia tham gia các cuộc đàm phán gia nhập khối để trở thành thành viên thứ 30 của tổ chức này. NATO đồng thời hy vọng thỏa thuận Prespa sẽ được thông qua ở các cấp có thẩm quyền Macedonia. Tuy nhiên, thỏa thuận Prespa dù được Quốc hội Macedonia thông qua nhưng lại bị Tổng thống Gjorge Ivanov chối đặt bút ký, với lý do văn kiện này làm tổn hại chủ quyền quốc gia.  

Đứng trước nguy cơ bỏ lỡ cơ hội lịch sử, Thủ tướng Zoran Zaev đã phải kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng 9, để lấy ý kiến người dân về tương lai của đất nước. Cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức, nhưng rất tiếc kết quả của nó không được công nhận khi tỷ lệ người đi bỏ phiếu quá thấp so với quy định, mặc dù có tới 91% người dân tham gia đồng ý với phương án đổi tên nước. Chính phủ của Thủ tướng Zoran Zaev vẫn thông qua đề xuất đề nghị Quốc hội sửa đổi Hiến pháp để đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Để đề xuất sửa đổi Hiến pháp được thông qua tại Quốc hội, chính phủ của Thủ tướng Zoran Zaev buộc phải có được sự ủng hộ của ít nhất 2/3 trong tổng số 120 Nghị sĩ tại nghị trường. Đây thực sự là một nhiệm vụ khá khó khăn với ông Zoran Zaev, bởi theo tính toán, ông sẽ thiếu khoảng 9 phiếu ủng hộ nữa để đạt được mục tiêu. Trong khi đó, phe đối lập VMRO-DPMNE luôn ngăn cản việc thực thi hiệp định Prespa, với lý do nó vi phạm chủ quyền của Macedonia. Ngoài việc kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý trước đó, phe đối lập thậm chí còn kêu gọi một cuộc bầu cử sớm cùng với việc thành lập một chính phủ tạm quyền thay thế chính phủ của Thủ tướng Zoran Zaev cho tới khi cuộc bầu cử hoàn tất.

Trên bình diện quốc tế, cả EU và NATO cũng như Mỹ đều bày tỏ ủng hộ với việc thực thi thỏa thuận Prespa giữa Macedonia và Hy Lạp. Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini nói rằng thỏa thuận Prespa là cơ hội duy nhất cho quá trình hòa giải tại Đông Nam châu Âu và có thể sẽ không có cơ hội lần thứ hai. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho rằng, NATO luôn mở cửa chào đón thành viên thứ 30 với điều kiện thỏa thuận Prespa phải được thực thi, và ông kêu gọi các Nghị sĩ Macedonia nắm lấy cơ hội mà ông mô tả là lịch sử này.

Còn trong bức thư gửi Thủ tướng Zoran Zaev, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đánh giá cao cam kết của Macedonia đối với an ninh và ổn định trong khu vực, và hy vọng thỏa thuận Prespa sẽ được thực thi.  

Đề xuất sửa đổi Hiến pháp của chính phủ Macedonia đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban các vấn đề Hiến pháp của Quốc hội vào cuối tuần trước. Nhưng cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, dự kiến diễn ra ngày 15/10 mới là thách thức lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Zoran Zaev trước sức ép từ phe đối lập. Sự đồng thuận của Quốc hội với đề xuất sửa đổi Hiến pháp sẽ đưa Macedonia tiến gần hơn trên con đường hội nhập với EU và NATO, nhưng ngược lại nó sẽ đẩy quốc gia vùng Balkan này vào thế bị cô lập và tranh cãi triền miên./.