Theo Itar-Tass, trong cuộc họp nội các mới đây, ông Putin đã yêu cầu các bộ trưởng phải làm việc cả trong những ngày đầu năm mới để giúp chính phủ chống đỡ cuộc khủng hoảng kinh tế.
“Kỳ nghỉ sắp tới là khá dài, mọi người đều có quyền nghỉ ngơi. Nhưng vì chính phủ, vì cơ quan của các ông, chúng ta không thể nghỉ lễ, ít nhất là trong năm nay. Chắc các ông đều hiểu ý tôi” - ông Putin nói với các bộ trưởng.
Thông thường, người lao động Nga được nghỉ từ ngày 1 đến 12/1 để đón năm mới và ngày lễ Giáng sinh của Chính thống giáo phương Ðông 7/1.
“Chính phủ mắc sai lầm”
Trong cuộc họp, Tổng thống Putin thừa nhận nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng không chỉ vì các yếu tố bên ngoài như cấm vận của phương Tây và giá dầu thế giới giảm.
“Những khó khăn chúng ta đang trải qua còn bắt nguồn từ các sai lầm mà chính chúng ta đã phạm phải trong nhiều năm qua - ông Putin khẳng định - Chính phủ đã cố gắng cải tổ cấu trúc nền kinh tế. Các sự kiện gần đây cho thấy những nỗ lực này là chưa đủ”.
Ông Putin nhấn mạnh: “Trách nhiệm lớn đặt lên vai chính phủ”. Quả thật, nước Nga hiện rất khó khăn. Trả lời phỏng vấn báo Moscow Times, cựu bộ trưởng kinh tế Nga Alexei Kudrin - một cựu cố vấn thân cận của ông Putin - mô tả:
“Nước Nga đang rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Trong năm 2015 người dân Nga sẽ cảm nhận rõ ràng tác động từ cuộc khủng hoảng này”.
Ông Kudrin dự báo trong năm 2015, hàng loạt công ty lớn và vừa ở Nga sẽ vỡ nợ. Các hãng xếp hạng tín dụng phương Tây như Moody’s, Standard & Poor’s hay Fitch sẽ hạ bậc tín nhiệm Nga xuống mức “rác”. Theo Reuters, hôm qua Standard & Poor’s thông báo có thể sẽ hạ bậc tín nhiệm Nga xuống mức “rác” ngay từ đầu tháng 1-2015 do những bất ổn tiền tệ của Nga.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Matxcơva đã đối thoại với các hãng xếp hạng tín dụng để ngăn chặn nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm.
Trước đó Bộ Tài chính Nga dự báo GDP sẽ sụt giảm hơn 4% trong năm 2015 nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 60 USD/thùng. Hãng Moody’s cho rằng GDP Nga có thể giảm tới 5,5% trong năm 2015 và 3% vào năm 2016.
Đồng rúp đã ổn định
Chính phủ Nga đang xem xét cắt giảm ít nhất 10% chi tiêu trong năm 2015, nhưng Bộ Tài chính cho rằng kể cả biện pháp này cũng không ngăn được nguy cơ thâm hụt ngân sách.
Ngày 26/12, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo thêm một tin buồn là dự trữ ngoại tệ và vàng của Nga đã giảm xuống dưới mức 400 tỉ USD lần đầu tiên kể từ năm 2009. Trong tháng 12, Matxcơva chi tới 11,2 tỉ USD để trợ giá đồng rúp.
Chưa hết, tỉ lệ lạm phát Nga leo lên 10,4% trong tháng 12. Ðây là lần đầu tiên lạm phát Nga chạm ngưỡng hai chữ số kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bộ trưởng Tài chính Siluanov dự báo lạm phát sẽ tăng lên 11,5% ngay trước ngày đầu năm mới, đây là mức cao nhất từ năm 2008. Trong vài tháng qua, giá một số mặt hàng như thịt bò và cá ở Nga đã tăng vọt tới 40-50%.
Dù vậy, Matxcơva cũng thông báo một thông tin lạc quan. Ðó là đồng rúp đã ổn định trở lại sau quãng thời gian tuột dốc không phanh. Giá đồng rúp tăng liên tiếp trong năm ngày qua và hiện đạt mức 1 USD đổi được 52,9 rúp, vượt xa đáy 1 USD đổi được 80,1 rúp tuần trước.
“Chúng tôi tin rằng giai đoạn bất ổn đã trôi qua” - Bộ trưởng Siluanov khẳng định.
Trước đó Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 17% và điện Kremlin gây sức ép buộc năm tập đoàn xuất khẩu lớn phải bán ngoại tệ để giữ giá đồng rúp.
Các nhà phân tích cho biết sẽ theo dõi diễn biến giá dầu và động thái của các hãng xếp hạng tín dụng để đánh giá tình hình kinh tế Nga trong thời gian tới./.