Patrician Licuanan, Giám đốc Ủy ban Giáo dục Cao học (CHED), nói rằng, các cơ sở giáo dục cao học có khả năng hoạt động bình thường và có đủ sinh viên theo học sẽ được phép mở trở lại theo đúng lịch học của học kỳ 2.

“Các trường trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão Haiyan được yêu cầu khôi phục lại hoạt động vào ngày 15/11 ngay sau khi cơ quan chức năng cho phép”, bà Licuanan cho biết.

Nhiều nhà cửa tại Vysayas vẫn ngổn ngang sau bão (Ảnh Philstar)

Trước đó, ngày 13/11 CHED đã yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục cao học tại các khu vực mà bão Haiyan quét qua.

Bà Licuanan yêu cầu các giám đốc CHED tại phía Đông quần đảo Visayas và các khu vực khác thực hiện mọi biện pháp để có thể xác định được địa điểm cũng như tình trạng hiện tại của các cán bộ tại các cơ sở giáo dục của mình.

“Khi điều kiện cho phép, các trường bị ảnh hưởng của bão được yêu cầu phải hợp tác với giám đốc quản lý tại khu vực của mình để đảm bảo rằng mọi sinh viên, giáo viên không phải chịu thiệt trong việc học tập và giảng dạy”, bà Licuanan tuyên bố.

Hỗ trợ ổn định tâm lý

Hàng chục nhà tâm lý học đã bắt đầu làm việc tại các khu vực bị tàn phá nặng nề sau bão để trợ giúp về tâm lý những người sống sót.

Các chuyên gia y tế cho biết, những nỗ lực của các nhà tâm lý là bước đầu tiên nhằm giảm nhẹ những vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra khi những tổn thương bên ngoài của các nạn nhân bắt đầu lành trở lại.

Annabelle de Veyra, Giám đốc Y tế tại Đông Visayas, nói rằng, tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra trong vài ngày tới.

“Hai cửa hàng lớn đã bị cướp phá”, bà Veyra cho biết, “Đây không chỉ là vấn đề về số thực phẩm mà họ lấy đi mà hơn thế đó chính là những phản ứng tâm lý của họ. Những người Tacloban không bao giờ cư xử như vậy. Họ thực sự cần tư vấn về tâm lý”.

Cuối ngày 12/11, một nhóm 55 nhà tâm lý đã đến Tacloban để giúp những người dân ở đây đương đầu với thảm họa.

Nedy Tayag, một nhà tâm lý, nói rằng hành vi của những người còn sống sót sau bão ở đây cũng hoàn toàn giống như những nạn nhân của những thiên tai tàn phá khủng khiếp ở các nơi khác trên thế giới.

“Phản ứng của họ là bình thường nếu xét trong tình trạng bất bình thường hiện nay”, bà Tayag nói ,”Phản ứng này có thể dẫn đến việc suy sụp về tâm lý, bất ổn về cảm xúc, lẫn lộn và trầm cảm”.

Các chuyên gia sẽ tập trung vào việc “can thiệp tâm lý” thông qua các liệu pháp và các khóa tư vấn cho cả các tập thể và các cá nhân.

Nới lỏng thủ tục nhập cảnh

Người nước ngoài tham gia vào các chiến dịch cứu trợ nạn nhân bão Haiyan sẽ không còn phải đối mặt với hàng loạt thủ tục nhập cảnh rắc rối tại sân bay.

Quan chức phụ trách nhập cảnh của Cục Xuất-Nhập cảnh Philippines Siegfred Mison cho biết kể từ ngày 13/11, Philippines đã nới lỏng các quy định về nhập cảnh cho các nhân viên và người tình nguyện thực hiện các sứ mệnh nhân đạo để giúp các nạn nhân tại Visayas.

“Ngay cả nếu họ không có đúng loại giấy tờ để nhập cảnh, chúng tôi cũng sẽ xem xét cấp giấy tờ cho họ. Nếu họ muốn ở lại lâu hơn, chúng tôi sẽ làm visa miễn phí cho họ”, ông Mison cho biết.

Cục Xuất-Nhập cảnh Philippines cũng gỡ bỏ quy định thời hạn hộ chiếu 6 tháng cho những nhân viên hỗ trợ nước ngoài./.