Phát biểu trong buổi điều trần về quan hệ Mỹ-Trung vừa diễn ra tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào sáng 26/6 (theo giờ Việt Nam), trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng: “Các lợi ích quan trọng của Mỹ tại Biển Đông và Hoa Đông đang bị đe dọa”.

my3_snik.jpg

Toàn cảnh phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ 

Tại phiên điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết, các nước láng giềng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương đang rất lo ngại về những hành động cưỡng ép ngày một mạnh mẽ nhằm thúc đẩy và củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông và Hoa Đông. Hành động đơn phương của Trung Quốc tại các khu vực nhạy cảm và có tranh chấp đang khiến căng thẳng gia tăng và gây tổn hại tới vị thế quốc tế của Trung Quốc.

Ông Russel nói: “Giới lãnh đạo Trung Quốc từng nói rằng họ muốn một môi trường tĩnh lặng để tập trung vào phát triển kinh tế-xã hội. Trung Quốc đã không đạt được sự ổn định và yên bình, mà trái lại còn tạo ra căng thẳng thực sự trong quan hệ với các nước. Do vậy, điều đầu tiên là cần ủng hộ sự kiềm chế, và nước lớn thì có trách nhiệm lớn hơn trong việc thực hiện kiềm chế”.

Theo ông Russel, việc cố tình phớt lờ các biện pháp ngoại giao và hòa bình, và thay vào đó là các hành vi cưỡng ép bằng kinh tế hoặc vũ lực trong xử lý bất đồng và tranh chấp là nguy hiểm và gây mất ổn định. Mỹ muốn các nước trong đó có Trung Quốc kiểm soát hoặc giải quyết các đòi hỏi chủ quyền thông qua các biện pháp hòa bình và ngoại giao như những gì mà Philippines và Indonesia vừa thực hiện trong vấn đề phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của 2 nước. Các tranh chấp cũng có thể được giải quyết thông qua một bên thứ 3 như trường hợp Philippines khởi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Trợ lý Ngoại trưởng Russel nêu rõ, Mỹ và cộng đồng quốc tế phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thúc đẩy yêu sách chủ quyền và cho rằng những hành động như vậy không giúp ích gì trong việc tăng cường tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc. Những vấn đề trên cần phải được giải quyết dựa trên đòi hỏi hợp pháp của các bên liên quan và phù hợp với luật pháp và quy chuẩn quốc tế chứ không phải bằng sức mạnh quân sự và tàu chấp pháp hoặc quy mô kinh tế. 

 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phát biểu tại phiên điều trần 

Ông Russel nói: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng ngoại giao là công cụ đúng đắn để giải quyết vấn đề. Chúng tôi cũng tin rằng một bước đi hết sức quan trọng đối với tất cả các nước đòi hỏi chủ quyền, đặc biệt là Trung Quốc phải làm sáng tỏ những đòi hỏi chủ quyền của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Nguy cơ xảy ra những vụ việc bất ngờ và sự đối đầu bắt nguồn từ sự mập mờ liên quan đến nước nào tuyên bố chủ quyền ở đâu và dựa trên cơ sở nào. Và vì vậy, chúng tôi hối thúc Trung Quốc làm sáng tỏ sự mập mờ của đường lưỡi bò”.

Ông Daniel Russel cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Myanmar vào tháng 8/2014 và sẽ tiến hành các cuộc thảo luận sâu rộng về một số biện pháp xây dựng lòng tin thực chất, các giải pháp ngăn chặn khủng hoảng, bao gồm lập đường dây nóng, thỏa thuận giải quyết tại chỗ các vụ việc bất ngờ.

Tại phiên điều trần, Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế thuộc trường đại học Princeton, Aaron L. Friedberg cho rằng trong 5 năm qua, Trung Quốc đã sử dụng ngôn từ mạnh hơn cũng như hành động cứng rắn hơn để thúc đẩy yêu sách chủ quyền nhằm tăng cường kiểm soát hải phận và không phận tại vùng biển phía Đông nước này.

Giáo sư Friedberg khẳng định, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, cố tình quấy nhiễu chiến hạm Cowpens của hải quân Mỹ và gần đây nhất là đưa giàn khoan cùng tàu hải quân và hải giám vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền đã cho thấy những thay đổi trong chiến thuật của Trung Quốc. Những động thái trên rõ ràng đã phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng Bắc Kinh chỉ đơn thuần phản ứng lại hành vi của các nước khác.    

Lý giải về hành động của Trung Quốc, Giáo sư Friedberg cho rằng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược “ẩn mình chờ thời” dựa trên các nguyên tắc tránh đối đầu, nhất là với Mỹ và các cường quốc láng giềng khác, xây dựng sức mạnh quốc gia tổng hợp và tiến dần từng bước. Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội để gia tăng ảnh hưởng và vị thế của mình, đồng thời tìm cách làm suy giảm ảnh hưởng và vị thế của Mỹ.

 

Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế thuộc trường đại học Princeton, Aaron L. Friedberg

Những hành động gần đây của Trung Quốc cho thấy một sự điều chỉnh trong chiến thuật và thời gian biểu, thay vì một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược của Bắc Kinh. Trung Quốc đang có những bước tiến mạnh mẽ hơn để thực hiện những mục tiêu dài hạn. Ngoài việc thúc đẩy các yêu sách để kiểm soát phần lớn các vùng biển và nguồn tài nguyên ngoài khơi, Trung Quốc còn sử dụng biện pháp đe dọa để dọa nạt các nước láng giềng, cũng như để chứng tỏ rằng Mỹ không đủ khả năng đảm bảo an ninh, đồng thời tìm cách chia rẽ Mỹ và các đồng minh và bạn bè trong khu vực. Giáo sư Friedberg nêu rõ, việc Trung Quốc tỏ ra ngày một cứng rắn cho thấy cả thái độ ngạo mạn lẫn cảm giác bất an của Bắc Kinh.

Theo ông Friedberg, các nhà phân tích và hoạch định chính sách của Trung Quốc nhận định rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu nhanh chóng một cách bất ngờ và đã đến lúc Trung Quốc cần từ bỏ chiến lược “ẩn mình chờ thời”, hoặc ít nhất là phải nắm thế chủ động hơn trong ứng xử với thế giới. Dường như Trung Quốc tính toán rằng ít nhất trong vài năm tới, Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn cả về chiến lược lẫn tài chính, và như vậy trong giai đoạn này, Trung Quốc có thể tạo ra những “sự đã rồi” và củng cố vị thế của mình.

Giáo sư Friedberg nhận định, Trung Quốc đang tạo ra các tình huống nguy hiểm một cách có chủ đích nhằm buộc các nước khác phải nhường bước. Nhưng kể cả trong trường hợp đây không thực sự là chủ ý của Trung Quốc thì cách hành xử như vậy có thể dễ dàng dẫn đến đối đầu và leo thang căng thẳng.

Ông Friedberg nói: “Về lâu dài thì sự cứng rắn của Trung Quốc có thể trở nên thất sách và phản tác dụng. Nếu các nước láng giềng châu Á phản ứng bằng cách tăng cường tiềm lực và hợp tác chặt chẽ hơn với nhau cũng như với Mỹ thì họ sẽ có thể ngăn chặn được tham vọng của Trung Quốc và tạo ra thế cân bằng về sức mạnh” .

Tuy nhiên, Giáo sư Friedberg cho rằng nếu Mỹ không phản ứng một cách hiệu quả thì Trung Quốc có thể vẫn thực hiện thành công chiến lược “chia để trị”, tức là tiếp tục hăm dọa để buộc một số nước láng giềng phải nhượng bộ, trong khi cô lập và làm thoái chí những nước khác. Theo ông Friedberg, trên thực tế thì đây có vẻ như chính là những gì mà Bắc Kinh đang cố gắng thực hiện: tìm cách kết thân với Mỹ, đồng thời gia tăng sức ép lên các mục tiêu chủ yếu trong đó có Việt Nam và đặc biệt là các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines./.

>> Trung Quốc đừng mong có đạo lý bằng quyền lực