Thỏa thuận nhằm hạn chế dòng người tị nạn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ đổ vỡ khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa rút khỏi thỏa thuận này. Trong nỗ lực cứu vãn tình hình, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua (5/8) tuyên bố sẽ tích cực khôi phục đối thoại trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ sau những bất đồng gần đây.

tho_duc_oqxv.jpg
Ngoại trưởng Đức Steinmeier (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Văn phòng báo chí Tổng thống Thổ.

Là nước đi đầu trong Liên minh châu Âu ủng hộ thỏa thuận di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng hiện cũng xuất hiện nhiều ý kiến hoài nghi trong liên minh cầm quyền ở Đức về Thỏa thuận này. Theo Ủy viên Nhân quyền Chính phủ Đức Bärbel Kofle, cần phải xem xét lại thỏa thuận, với lý do Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng các nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành gần đây tại quốc gia này.

Bảo vệ thỏa thuận đã đạt được, Chính phủ Đức hôm qua cho rằng việc tìm kiếm phương án khác thay thế cho thỏa thuận nhằm hạn chế dòng người tị nạn giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ là không cần thiết.

Chánh Văn phòng Nội các kiêm Điều phối viên về chính sách di cư và tị nạn của Chính phủ Đức, ông Peter Altmaier khẳng định, không có lý do để phải lên kế hoạch B cho vấn đề nói trên. Vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ mới đây không ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận giữa hai bên.

Không chỉ vấp phải sự chỉ trích từ trong nội bộ nước Đức, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu gần đây cũng bày tỏ không hài lòng với những diễn biến gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua với Ngoại trưởng Đức Steinmeier, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz tiếp tục hối thúc dừng các cuộc đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập Liên minh châu Âu, nhấn mạnh EU cần phải cân nhắc về khung thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh hiện nay.

Ông Sebastian Kuz nhấn mạnh: “Hiện có hai câu hỏi về thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ mà tôi quan tâm, Đó là vấn đề miễn thị thực cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ và thúc đẩy các cuộc đối thoại Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Tôi không nhìn thấy bất cứ cơ hội nào về hai vấn đề này. Tôi nghĩ Liên minh châu Âu nên phản ứng rõ ràng với những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay”.

Phản bác ý kiến này, Ngoại trưởng Đức Steinmeier bày tỏ hi vọng sẽ sớm khôi phục các cuộc đối thoại trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp các mối lo ngại về chiến dịch “thanh lọc” của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính.

Theo ông Steinmeier, hiện Đức đang tập trung làm thế nào để kiểm sóat mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trong tình hình khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định việc tái áp dụng án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phù hợp với các giá trị của châu Âu: “Tôi sẽ tích cực làm việc để đảm bảo rằng đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ diễn ra qua truyền hình hay đài phát thanh… Không có lựa chọn nào khác đó là quay trở lại các cuộc đối thoại trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù điều này sẽ rất khó khăn. Các cuộc đối thoại trực tiếp sẽ không dễ dàng”.

Mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần qua cũng gặp nhiều sóng gió sau cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.  Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu EU không trao cơ chế miễn thị thực cho các công dân nước này.

Mặc dù vậy, chính phủ Đức vẫn đang kiên quyết bảo vệ thỏa thuận di cư. Là kiến trúc sư cho Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Merkel mong muốn thỏa thuận có hiệu lực sẽ giúp ngăn chặn dòng người tị nạn kéo đến châu Âu và thực hiện hóa các cam kết của bà giảm dòng người di cư vào Đức. 

Thỏa thuận đổ vỡ có thể ảnh hưởng đến uy tín đầu tàu của Đức tại châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của khối, cũng như làm giảm hi vọng chiến thắng cho đảng của bà Merkel trong các cuộc bầu cử quốc gia năm tới./.