Trong lúc các loại vaccine ngừa Covid-19 đầy hứa hẹn đang dần được triển khai tại nhiều quốc gia, mang lại hi vọng về một chiến thắng trong tầm tay, thì sự xuất hiện của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, với khả năng lây nhiễm cao hơn lại một lần nữa đặt cuộc chiến chung của nhân loại trước thử thách. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được xác nhận ở 41 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo báo cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến hết ngày 5/1, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh đã xuất hiện ở hơn 40 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc 5 trên 6 khu vực của Tổ chức Y tế thế giới và hầu hết các ca nhiễm đều ở độ tuổi dưới 60. Bộ Y tế Anh thông báo những trường hợp mắc biến thể mới đầu tiên của virus SARS-CoV-2 hồi giữa tháng 12 vừa qua và theo các nhà khoa học, biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn bất kỳ chủng virus nào đã xuất hiện trước đó.
Tại Nam Phi, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng xuất hiện và được cho là liên quan đến làn sóng lây nhiễm thứ hai chủ yếu tác động đến người trẻ tuổi ở nước này. Dù vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể mới, song thông tin đã khiến nhiều người không khỏi lo ngại bởi Nam Phi hiện là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất tại châu lục.
Dù những biến thể của virus không phải là điều bất thường hay hiếm gặp và hiện vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự đột biến của virus có nguy cơ gây tử vong cao hơn, song nhiều nước đã triển khai một loạt biện pháp phòng ngừa từ thắt chắt các quy định hạn chế đến gia hạn phong tỏa, áp đặt giới nghiêm hay thậm chí là cả đánh giá lại các chiến lược tiêm phòng.
Tại Anh, Chính phủ nước này hôm qua thông báo kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm lên 3 tháng, tức là dài hơn 3 đến 4 tuần so với khuyến nghị ban đầu do chưa đủ nguồn cung vaccine. Anh tới nay đã tiêm chủng hơn một triệu liều, nhiều hơn tất cả các nước Liên minh châu Âu cộng lại.
Trưởng văn phòng y tế vùng England Chris Whitty cho biết: “Bằng cách kéo dài thời gian giãn giữa liều tiêm thứ nhất và thứ 2 lên ba tháng, chúng ta có thể tăng gấp đôi số người có thể được chủng ngừa. Với một phép tính đơn giản, nếu trong khoảng thời gian đó mà có hơn 50% người dân bảo vệ, thì chúng ta đã thực sự giành chiến thắng.”
Tương tự, Chính phủ các nước Đức và Đan Mạch mới đây cũng thông báo đang xem xét khả năng hoãn tiêm liều thứ hai vaccine phòng Covid-19 của BioNTech/Pfizer. Với việc thay đổi chiến lược tiêm phòng này, Ðức hi vọng có thể tăng được số lượng vaccine sẵn có trong ngắn hạn và qua đó có thể tăng số người được tiêm chủng.
Tổ chức Y tế thế giới đã lên tiếng ủng hộ sự điều chỉnh này, cho rằng, liều tiêm thứ 2 có thể kéo dài vài tuần trong bối cảnh dịch tễ đặc biệt hiện nay, cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng thời kêu gọi thế giới đoàn kết, cùng nhau thoát khủng hoảng.
“Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ làm việc cùng nhau và tuân thủ các cam kết về phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu để gia tăng nguồn cung nhanh nhất có thể và tham gia đầy đủ vào Cơ chế vaccine toàn cầu COVAX. Sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Ngân hàng Thế giới thúc đẩy đang hỗ trợ hơn 100 quốc gia thực hiện những đánh giá nhanh chóng về mức độ sẵn sàng và phát triển kế hoạch cụ thể cho từng quốc gia về vắc xin và các công cụ phòng ngừa Covid-19 khác”, ông Ghebreyesus nói.
Hiện các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đang duy trì liên lạc với giới chức Anh và Nam Phi để kịp thời chia sẻ thông tin phân tích và kết quả nghiên cứu, đánh giá những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Dẫu vậy, sự lây lan nhanh chóng của đại dịch do tác động của các biến thể mới chắc chắn sẽ phần nào làm chậm lại những nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Theo chuyên gia dịch tễ Arnaud Fontanet thuộc Viện Pasteur và là thành viên Hội đồng khoa học Covid-19 của Pháp, thế giới đang trong cuộc chạy đua thực sự với thời gian và việc cần thiết nhất lúc này là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất./.