Theo RT, Cơ quan Hải quan Liên bang Nga đã đưa ra con số trên và cho biết con số này sẽ tăng nhanh và sẽ sớm trở thành một thảm họa về nhân đạo.

“Nếu diễn biến căng thẳng tại Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra, sẽ có thêm hàng trăm nghìn người Ukraine sẽ đổ sang các khu vực gần biên giới Nga-Ukraine”, thông cáo của cơ quan này ngày 2/3 cho biết.

Trước đó ngày 1/3, các quan chức nhập cư của Nga cho biết chỉ trong vòng hai tuần họ đã nhận được 143.000 đơn xin tỵ nạn tại nước này của người dân Ukraine.

Ba người Ukraine ủng hộ Nga tham gia biểu tình tại Kiev (Ảnh AFP)

Các quan chức này đã cam kết sẽ đẩy nhanh việc xử lý các đơn xin tỵ nạn nói trên.

Bà Valentina Kazakova, trưởng bộ phận tiếp nhận đơn xin tỵ nạn của Cơ quan Hải quan Liên bang Nga cho biết hầu hết các đơn xin tỵ nạn này đến từ các khu vực giáp biên giới với Nga tại phía Nam Ukraine.

“Mọi người cảm thấy lo lắng, sợ hãi và thất vọng. Rất nhiều đơn xin tỵ nạn được các nhân viên thực thi pháp luật, các quan chức Ukraine gửi đến bởi họ cảm thấy lo ngại về khả năng bị các nhóm quá khích tại Ukraine tấn công”, bà Kazakova tuyên bố.

Chỉ một tuần sau khi ông Viktor Yanukovich bị Quốc hội phế truất tình hình chính trị và xã hội tại các tỉnh phía Đông và Nam của Ukraine vốn thân với Nga đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng.  

Ngay sau khi ông Yanukovich chạy trốn sang Nga, Quốc hội Ukraine đã bác bỏ một bộ luật từ năm 2012 của nước này trong đó cho phép sử dụng hai ngôn ngữ chính thức tại các khu vực khác nhau tại Ukraine nếu như số lượng người thiểu số tại đó vượt quá ngưỡng 10% tổng dân số.

Không chỉ có những cộng đồng người Nga mà cả cộng đồng người Hungary, Moldova và Romania cũng bị ảnh hưởng bởi quyết định này.

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố các Nghị sỹ Ukraine đã quá sai lầm khi bác bỏ bộ luật trên. Trong khi đó Quốc hội của các nước Liên minh châu Âu cũng đã hối thúc chính quyền Ukraine tôn trọng quyền lợi của cộng đồng thiểu số tại đây bao gồm cả việc cho phép sử dụng tiếng Nga và các ngôn ngữ khác là ngôn ngữ chính thức.

Cao ủy về Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Nga Konstantin Dolgov cũng đã lên tiếng phản đối quyết định này của Quốc hội Ukraine.

Trên trang twitter của mình, ông Dolgov nhấn mạnh: “Việc cấm sử dụng tiếng Nga tại Ukraine là sự vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của các cộng đồng thiểu số tại đây”./.