Dưới sức ép của một số thế lực quốc tế và khu vực, cuối tuần qua, các nhóm đối lập tại Syria đã nhất trí thành lập một mặt trận đối lập mới mang tên “Liên minh Dân tộc của Các lực lượng đối lập”.
Mục tiêu của việc hình thành Liên minh này theo dụng ý của phương Tây và một số nước Arab, là nhằm đẩy nhanh kế hoạch lật đổ Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, tính khả thi của chiến lược mới này là không cao.
fat%20ngon%20vien%20hoi%20dong%20dan%20toc%20syria.jpg
Nữ phát ngôn viên Hội đồng Dân tộc Syria (ảnh: cfr)

Trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters của Anh hôm 12/11, nhà phân tích chính trị Shashank Joshi- thuộc Viện nghiên cứu hoàng gia Anh về các vấn đề an quốc phòng và an ninh (RUSI)- khẳng định, Liên minh đối lập mới sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề như Hội đồng Dân tộc Syria - nhóm đối lập nòng cốt và lớn nhất tại Syria - đã phải đối mặt. Liên minh chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của các bên quốc tế muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là tập hợp các nhóm đối lập vào chung một mặt trận. Đặc biệt, cấu trúc đối lập mới chưa thể có được sự thừa nhận rộng rãi và nhất là hậu thuẫn cần thiết của cộng đồng quốc tế.

Ông Shashank Joshi nhấn mạnh: “Lúc này, cộng đồng quốc tế và các nước phương Tây có thể sẽ hoan nghênh hội đồng đối lập mới này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẽ trao cho hội đồng này mọi thứ muốn có. Họ sẽ rất thận trọng trong việc cung cấp vũ khí cũng như việc thừa nhận hội đồng mới như đại diện của người Syria, đồng nghĩa với việc chưa thể kết thúc những vấn đề khó khăn mà phe đối lập đang thực sự gặp phải”.     

Không nằm ngoài nhận định này, các nước phương Tây và nhiều nước khu vực từng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cuộc nổi dậy của phe đối lập, vẫn rất dè dặt trong việc đưa ra phản ứng trước việc hình thành Liên minh đối lập mới tại Syria. Ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab chỉ dừng lại ở việc hoan nghênh thành lập Liên minh đối lập mới tại Syria, chứ không công nhận Liên minh này như đại diện hợp pháp của người Syria.

Ngay trong nội bộ phe đối lập Syria, một số nhóm đối lập đã tuyên bố phản đối việc thành lập Chính phủ lưu vong ngoài lãnh thổ Syria, vốn là một trong những mục tiêu của chiến lược hình thành Liên minh đối lập mới tại Syria.

Thủ lĩnh đảng đối lập mang tên “Xây dựng Nhà nước Syria”, ông Louay Hussein nêu rõ: “Chúng tôi coi việc thành lập một Chính phủ lưu vong là sự xâm phạm quyền của người Syria trong việc lựa chọn người lãnh đạo và vận mệnh của mình. Chúng tôi cũng coi những gì đang diễn ra là trò thực dân lạc hậu, khi một số nước lợi dụng cuộc khủng hoảng tại một nước khác để thành lập một chính quyền thay thế. Điều này hiển nhiên sẽ đẩy xã hội tới sự chia rẽ và bạo lực đẫm máu”.

Rõ ràng, việc thành lập Liên minh đối lập mới tại Syria theo chủ ý của các thế lực bên ngoài, chưa phải là lời giải thỏa đáng và khả thi cho cuộc khủng hoảng kéo dài gần 20 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này. Trong bối cảnh như vậy, ngày càng có nhiều quan điểm ủng hộ quyền tự quyết của người Syria, phản đối sự áp đặt và can thiệp từ bên ngoài đối với quốc gia này./.