Hôm qua (8/1), các quan chức Liên minh châu Âu đề xuất nhanh chóng gửi binh sỹ đến Cộng hòa Trung Phi giúp ổn định tình hình tại thủ đô Banghi cũng như vùng phía Tây bất ổn của nước này.

Theo đề xuất này, Liên minh châu Âu sẽ cử ít nhất một tiểu đoàn từ 700-1.000 binh sỹ cùng phối hợp với 1.600 binh sỹ Pháp vừa được tăng cường đến Cộng hòa Trung Phi tháng trước.

linh%20phap%20trung%20phi.jpg
Binh lính Pháp tuần tra trên đường phố CH Trung Phi (ảnh: Sunday World)

Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao châu Âu cho rằng, hiện vẫn còn quá sớm để đoán được đề xuất này nhận được bao nhiêu sự ủng hộ từ các nước thành viên, vốn dè dặt trong các sứ mệnh can thiệp quân sự vì lo ngại cho sự an toàn của các binh sỹ mỗi nước, cũng như khoản chi phí không hề nhỏ trong bối cảnh châu Âu vẫn đang tìm lại sự phục hồi sau đợt suy thoái sâu rộng vừa qua. Thực tế Ba Lan, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bỉ đang hỗ trợ cho sứ mệnh của Pháp ở Cộng hòa Trung Phi, nhưng dường như chưa muốn gửi binh sỹ trực tiếp đến quốc gia bất ổn này.

Liên minh châu Âu cũng đã triển khai một số phái bộ dân sự và quân sự đến châu Phi bao gồm lực lượng chống cướp biển ngoài khơi Somalia và lực lượng huấn luyện binh sỹ cho Mali.

Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu sẽ thảo luận đề xuất này vào ngày mai (10/1) và nếu đề xuất này nhận được sự ủng hộ của 28 nước thành viên, Liên minh châu Âu sẽ cử binh sỹ đến Cộng hòa Trung Phi trong vòng vài tuần.

Liên quan đến tình hình tại Cộng hòa Trung Phi, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, Tổng thống lâm thời nước này Michel Djotodia có thể sẽ tuyên bố từ chức tại một Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khu vực diễn ra hôm nay (9/1) tại Cộng hòa Chad.

Thông tin đưa ra trong bối cảnh ông Djotodia đang phải chịu nhiều lời chỉ trích vì không dập tắt được làn sóng bạo lực tôn giáo ở Cộng hòa Trung Phi.

Theo thỏa thuận với các nước khu vực Trung Phi, ông Djotodia - lãnh đạo phiến quân Hồi giáo Seleka, lên nắm quyền hồi tháng 3 năm ngoái song ông hầu như không có quyền lực nào để ngăn chặn xung đột giữa những tay súng Hồi giáo Seleka và các binh sỹ theo đạo Cơ đốc. Chỉ riêng trong tháng 12, đụng độ ở Cộng hòa Trung Phi đã làm hơn 1.000 người thiệt mạng.

Nguồn tin ngoại giao từ Pháp và Cộng hòa Trung Phi đều cho rằng, các nhà lãnh đạo khu vực đã mất kiên nhẫn với Tổng thống Djotodia.

Trả lời phỏng vấn một tờ báo Pháp hôm qua về việc liệu ông Djotodia có tiếp tục làm Tổng thống hay không, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết các nước trong khu vực sẽ đưa ra quyết định trong cuộc gặp thượng đỉnh hôm nay.

Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh này sẽ thảo luận về một số phương án cho quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra ở Cộng hòa Trung Phi.

Tổng thống Cộng hòa Congo và Gabon, 2 nước giữ vai trò trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Cộng hòa Trung Phi, cũng sẽ triệu tập một hội nghị để thảo luận quá trình chuyển giao quyền lực này vào ngày 11/1 tới./.