Giao tranh xảy ra giữa nhóm phiến loạn Hồi giáo Seleka với các dân quân Kito giáo. Con số này cao gấp đôi so với báo cáo của Hội chữ thập đỏ. 

Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, một cuộc tàn sát đẫm máu diễn ra chỉ trong 2 ngày tại Cộng hòa Trung Phi, sau khi lực lượng dân quân Kitô giáo hay còn gọi là chống Balaka đi đến từng nhà và giết chết khoảng 60 người Hồi giáo.

ca_copy.jpg
Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tại Trung Phi (Ảnh AFP)

Các phiến quân Seleka đã tiến hành trả đũa trên một quy mô lớn hơn so với các vụ tấn công của nhóm người Kitô hữu này. Họ đã giết chết khoảng 1 nghìn người trong khoảng thời gian chỉ hai ngày và cướp bóc tại các nhà dân.

Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, Tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại đang diễn ra tại Cộng hòa Trung Phi.

Bà Joanna Mariner-Cố vấn cấp cao của Tổ chức Ấn xá quốc tế nói: “Các phiến quân Seleka đã thực hiện cuộc giết người trả thù trên quy mô lớn. Khi thực hiện cuộc tàn sát này, trong nhiều trường hợp họ tuyên bố là để tìm kiếm lực lượng chống Balaka. Nhưng họ đã không phân biệt lực lượng chống Balaka và nhiều đàn ông Kitô giáo khác. Nhiều nhân chứng cho biết, cứ gặp đàn ông là họ giết. Chúng tôi ước tính có khoảng 800 đến 1.200 người đã thiệt mạng, trong đó phần lớn họ là người Kitô giáo”.

Pháp đã đưa 1.600 binh sĩ đến Cộng hòa Trung Phi cùng quân của Liên minh châu Phi (AU) để khôi phục trật tự. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã ủy quyền cho Pháp và Liên minh châu Phi dùng giải pháp quân sự để chấm dứt bạo loạn nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Tổ chức Ân xá quốc tế đang kêu gọi triển khai nhanh chóng một lực lượng gìn giữ hòa bình mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc (LHQ) tới Trung Phi để làm nhiệm vụ bảo vệ dân thường.

Ông Mukosa-nhà nghiên cứu Trung Phi của Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi: “Không có sự hiện diện của nhà nước và chỉ có cộng đồng quốc tế giúp bảo vệ thường dân và cứu mạng sống của người dân nơi đây. Đây là lý do tại sao Tổ chức Ân xá quốc tế đang đẩy mạnh để có một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đủ mạnh để bảo vệ hiệu quả người dân tại Cộng hòa Trung Phi , không chỉ ở Bangui mà còn ở khu vực khác của nước này ".

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc bà Samantha Powers, trong chuyến thăm Cộng hòa Trung Phi ngày 19/12 cũng nhấn mạnh việc cần phải lập lại trật tự tại khu vực này.

Phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Cộng hòa Trung Phi, ông Tiangaye, Đại sứ Powers nói: “Rõ ràng là Cộng hòa Trung Phi chưa tiến hành hoặc chưa theo đuổi việc điều tra các cuộc tàn sát cho dù đây là trách nhiệm. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, những kẻ gây ra tội ác phải chịu trách nhiệm. Đây là điều quan trọng để chống lại bạo lực và vòng xoáy bạo lực trong tương lai”.

Cộng hòa Trung Phi rơi vào bất ổn nghiêm trọng kể từ khi lực lượng nổi dậy Seleka chủ yếu gồm các tay súng Hồi giáo lật đổ Tổng thống Francois Bozize hồi tháng 3 vừa qua, làm gia tăng xung đột bạo lực giữa người Hồi giáo và người Kitô giáo ở nước này.

Bạo lực khiến 614.000 người đã phải di dời trên toàn quốc trong đó có đến 189.000 người ở thủ đô Bangui, chiếm một phần tư dân số của thành phố. 

Trong bối cảnh bạo lực tại Cộng hòa Trung Phi lan rộng, ngày 18/12, Đức đã có phản ứng ngược với những tuyên bố trước đó của Pháp về việc các nước châu Âu sẽ hỗ trợ Pháp thực hiện các nhiệm vụ quân sự tại Cộng hòa Trung Phi.

Theo đó, Đức khẳng định sẽ không gửi quân tới Cộng hòa Trung Phi và chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ hậu cần giúp quân đội Pháp. Ngoài Đức, các nước Hà Lan, Áo, Anh và Ba Lan cũng khẳng định không có ý định gửi quân đến Cộng hòa Trung Phi, trong khi Thụy Điển, Phần Lan, Hungari và Bungari đều nói rõ chưa đưa ra bất cứ quyết định nào.

Như vậy, Pháp sẽ phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ lớn hơn của các nước Liên minh châu Âu trong vấn đề Cộng hòa Trung Phi, cũng như để giải tỏa tranh cãi nội bộ Pháp về sự đơn độc của nước này trong cuộc can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Phi./.