Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Antonio Guterres ngày 17/11 đã bày tỏ quan ngại về số phận của hàng triệu người tị nạn Syria và Iraq đang phải sống lưu lạc tại các vùng đất ở biên giới Lebanon, Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ do bạo lực gia tăng tại Syria và Iraq thời gian qua.
Theo ông Guterres, khoảng hơn 13 triệu người tị nạn Syria và Iraq, tương đương dân số của cả Thủ đô London, Anh đã phải đi sơ tán. Trong khi họ lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống và nhà ở trong khi mùa đông khắc nghiệt sắp đến gần.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Antonio Guterres nói: “Mùa đông tại các khu vực này thường có tuyết và nhiều mưa. Trạng thái thời tiết nói chung là tiêu cực. Đây là một thách thức lớn đối với người tị nạn Syria và Iraq. Trong khi hiện nay, quỹ hỗ trợ người tị nạn của Liên Hợp Quốc đang thiếu khoảng 58 triệu USD”.
Nhằm hỗ trợ người tị nạn Syria và Iraq, trước mắt, Liên Hợp Quốc sẽ ưu tiên nguồn kinh phí cho nhu cầu thiết yếu của người tị nạn, đặc biệt là quần áo ấm cho trẻ em và người già.
Ông Guterres cũng kêu gọi một giải pháp chính trị lâu dài cho tình hình bất ổn tại Syria và Iraq hiện nay nhằm giảm bớt dòng người tị nạn như hiện nay. Nhiều nước láng giềng của Syria như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon trước đó đã lên tiếng thừa nhận đã quá tải với dòng người tị nạn Syria đổ tới các nước này trong hơn 3 năm qua, đồng thời kêu gọi sự chung tay giúp sức lớn hơn từ cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Lebanon Tammam Salam cho rằng dòng người tị nạn Syria gây sức ép và bất ổn lớn cho các nước láng giềng, đồng thời tạo ra những đe dọa và thách thức trong xã hội như chủ nghĩa cực đoan, bạo lực.
Tuy với dân số chỉ khoảng 4,5 triệu người, song Lebanon đã phải tiếp nhận trên 1 triệu người tị nạn Syria kể từ đầu năm 2011 đến nay. Trong khi Jordan cũng đã tiếp nhận trên 600.000 người tị nạn Syria. Cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 4 tỷ USD cho việc tiếp nhận trên 1 triệu người tị nạn Syria, song chỉ mới nhận được gói viện trợ trị giá 250 triệu USD từ cộng đồng quốc tế./.