Đặc phái viên Liên Hợp Quốc theo dõi về tình hình nhân quyền ở Myanmar, bà Yanghee Lee đã có buổi họp báo ngày 27/7 sau 10 ngày thị sát nhiều khu vực tại Myanmar.

Theo đó, Liên Hợp Quốc đã hết sức lo ngại trước những thông tin về số thương vong cũng như số người phải di tản do bạo lực. Ngoài ra, điều kiện sống ở các trại tỵ nạn, đặc biệt ở bang Rakhine là vô cùng tồi tệ.

ton_giao_my_nrit.jpgMột vụ giao tranh căng thẳng giữa những người theo đạo Phật và những người Hồi giáo tại Myanmar (Ảnh AP)

Trước tình hình này, bà Lee kêu gọi Chính phủ Myanmar thực hiện các bước đi nhằm giảm căng thẳng và thúc đẩy hòa giải.

“Khi đi thăm các trại tỵ nạn xung quanh khu vực Sittewe trong mùa mưa này, tôi chứng kiến sự thiếu thốn nghiêm trọng về điều kiện sống ở cả hai cộng đồng này. Tình hình rất tồi tệ và đáng lo ngại. Vì thế, ưu tiên trước mắt mà Chính phủ Myanma cần thực hiện là giảm căng thẳng, thù địch và thúc đẩy hòa giải giữa hai cộng đồng tôn giáo này", bà Lee nói.

Bà Lee nhấn mạnh, sự thiếu thốn các cơ sở y tế và việc không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế là rất đáng lo ngại đối với hơn 2 triệu người tỵ nạn- trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh một số tổ chức nhân đạo quốc tế mới đây đã chấm dứt sứ mệnh nhân đạo như cung cấp y tế, lương thực do bất ổn về an ninh gia tăng.

Căng thẳng tại khu vực miền Tây Rakhine bùng phát sau khi một phụ nữ theo đạo Phật bị 3 người đàn ông Hồi giáo tấn công tình dục và sát hại.

Bạo động sau đó lan rộng buộc chính quyền bang này phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ở nhiều thị trấn./.