Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria hơn 5 năm qua đã khiến ít nhất 250.000 người thiệt mạng, hàng triệu người dân phải bỏ nhà cửa để đi sơ tán và tị nạn. Bên cạnh đó, hàng nghìn người vô tội hiện vẫn bị mặc kẹt tại các khu vực xảy ra chiến sự và đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. 

Vì thế, Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên tham chiến tại quốc gia Trung Đông này tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động viện trợ nhân đạo quốc tế tới người dân khu vực bị bao vây. 

syria_9674_1463761056_arbk_wbxc.jpg
Khói bốc lên tại thị trấn Syria sau một cuộc không kích. Ảnh: Reuters
.

Ngày 27/5, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephen O'Brien, phụ trách các vấn đề nhân đạo, đã kêu gọi các bên tham chiến tại Syria ngừng mọi hoạt động can thiệp vào việc viện trợ hàng hóa nhân đạo tới người dân nước này, đang sinh sống tại các khu vực bị bao vây.

Ông Stephen O'Brien cho biết, quá trình cấm vận và bao vây tại nhiều khu vực dân cư sinh sống vẫn đang diễn ra ở Syria, khiến nhiều người dân lâm vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Đây là một tội ác, cần phải lên án.

Theo thống kê mới nhất, có tới hơn 592.000 người Syria đang sống tại các khu vực bao vây. Tình trạng thiếu đói, suy dinh dưỡng và bệnh tật đang đe dọa cuộc sống của họ. Tuy nhiên, các bên tham chiến tại Syria vẫn cố tình cản trở các hoạt động viện trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế.

“Chúng tôi đang theo sát tình hình tại Syria. Theo báo cáo mới nhất, có khoảng 592.700 người dân nước này đang bị mắc kẹt tại các khu vực bị bao vây… Theo kế hoạch, ngày 12/5 vừa qua, một đoàn xe viện trợ đã đến thị trấn bị bao vây Darayya, Syria - nơi có khoảng 4.000 dân thường đang sinh sống. Tuy nhiên, chuyến hàng viện trợ này đã bị hoãn lại vào những giây phút cuối cùng”, ông Stephen O'Brien cho biết.

Ông O'Brien cho biết, Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Chính phủ Syria cho phép các đoàn xe cứu trợ tới 35 khu vực bị bao vây và khó tiếp cận tại quốc gia này ngay trong tháng 5. Tuy nhiên, hiện tại chính phủ Syria mới cấp giấy phép cho các đoàn xe đưa hàng viện trợ đến 14 trong tổng số 35 khu vực này.

Lý giải vấn đề này, Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc, ông Bashar Ja'afari cho biết, các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng và Mặt trận Al-Nusra thuộc mạng lưới al-Qaeda đã làm bùng phát bạo lực trở lại tại Syria trong những ngày qua. Điều này đã khiến hoạt động viện trợ hàng hóa nhân đạo tới người dân gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura cho biết, ông vẫn chưa thể triệu tập các bên tham chiến tại Syria tới vòng đàm phán hòa bình mới trong khoảng 2 đến 3 tuần nữa. Bởi theo ông, các bên Syria cần phải nghiêm túc hơn nữa trong việc thực thi sắc lệnh ngừng bắn cũng như việc hỗ trợ các hoạt động nhân đạo tới người dân nước này./.