Cuộc gặp diễn ra khi mỗi ngày có thêm hàng nghìn người dân Syria tiếp tục rời bỏ quê hương, chạy trốn chiến tranh để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký Liên đoàn A-rập Nabil an Arabi cho biết, các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để hỗ trợ người di cư Syria.
Để san sẻ gánh nặng di dân, Saudia Arabia cam kết tiếp tục những nỗ lực của mình hỗ trợ người tỵ nạn Syria.
di_cu_lyjy.jpg
Đức là nước phải tiếp nhận nhiều nhất với hơn 31.000 người. (ảnh: AFP)

Hiện chưa có nước nào trong số 6 quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ký công ước Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn. Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất cho biết nước này đang cưu mang hơn 200.000 người tỵ nạn Syria và đã cung cấp được 530 triệu USD viện trợ nhân đạo cho nước này trong suốt 4 năm qua.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết, nước này sẽ triển khai việc kiểm soát dọc biên giới với Áo, trong nỗ lực giảm bớt lượng người di cư đang tràn vào nước này.

Phát biểu với báo giới, ông Maiziere nhấn mạnh, Đức chỉ tạm thời làm việc này vì lý do an ninh, đồng thời hạn chế dòng người tỵ nạn đang đổ về như thác lũ thời gian qua. Ông Maiziere cho biết sẽ tham khảo ý kiến với nhà chức trách Áo về vấn đề này.

Trước đó cùng ngày, chính quyền thành phố Munich thông báo họ đang bị quá tải bởi dòng người di cư với ước tính khoảng 16.000 người tới thành phố này trong 2 ngày 11 và 12/9 thông qua các chuyến tàu hỏa từ Hungary và Áo.

Theo kế hoạch phân bổ 160.000 người di cư mới tới châu Âu của Uỷ ban châu Âu, Đức là nước phải tiếp nhận nhiều nhất với hơn 31.000 người.

Ngay sau động thái của Đức, phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Czech Milan Chovanec cho biết, nước này cũng sẽ tăng cường kiểm soát các khu vực biên giới với Áo.

Cùng với Hungary, Ba Lan, Slovakia, CH Czech đến nay vẫn phản đối kế hoạch phân bổ bắt buộc người tỵ nạn theo hạn ngạch của Ủy ban châu Âu (EC)./.