Ngày 5/9, Áo và Đức bắt đầu mở cửa biên giới để hàng ngàn người di cư vào nước mình, sau khi Hungary cho phép các xe buýt chở người di cư từ thủ đô Budapest tới biên giới. 

Một tình nguyện viên nhấc bổng bé gái tị nạn khi đoàn người di cư tới nhà ga Hauptbahnhof ở thành phố Munich, Đức, ngày 5/9. Ảnh: Getty

Sau những chia rẽ về việc chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư, một số nước châu Âu bắt đầu có bước đi chung hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất mà khu vực đang phải đối mặt kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Các chuyến tàu cuối cùng chở khoảng 1.000 người tị nạn kéo vào thành phố Munich của Đức vào lúc 1h30 sáng 6/9, nâng tổng số người vào thành phố này lên 8.000 người. Hầu hết những người di cư đến đều được các trung tâm tiếp nhận đặt ở Munich tiếp đón, sau khi tiến hành sàng lọc y tế, cung cấp thực phẩm và quần áo. Nhiều người tị nạn cho biết, họ được đón tiếp tốt tại Áo và Đức. 

Một người tị nạn từ Syria cho biết: “Chúng tôi rất vui khi đã đến được nước Đức. Sau một chuyến hành trình 1 tháng rất mệt mỏi và nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kì, Hi Lạp, Serbia, Hungary và Áo, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được Đức”.

Nhiều người tị nạn cho biết họ đến từ Syria, Afganistan hay Iraq. Cảnh sát Munich cho biết, những người tị nạn được giúp đỡ làm thủ tục tại các trung tâm đăng ký khẩn cấp. 

Người phát ngôn cảnh sát tại Munich Simon Hegewald cho biết:“Chúng tôi đang chuẩn bị tinh thần đón thêm các chuyến tàu với nhiều người di cư đang đến. Trước khi tàu đến ga chúng tôi sẽ nhận được thông báo về số lượng người di cư thực sự trên tàu. Dựa vào những thông tin này cảnh sát liên bang sẽ triển khai tăng cường tại các nhà ga để đảm bảo trật tự và giúp người di cư”.

Áo thông báo có khoảng 9.000 người đã vào nước này từ Hungary trong ngày 5/9. Áo và Đức mở cửa biên giới sau khi chính phủ hai nước này tuyên bố chấp nhận  tiếp đón thêm hàng nghìn người di cư. 

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức Harald Neymanns cho biết, quyết định mở biên giới là một trường hợp đặc biệt vì lý do nhân đạo. Ông Neymanns khẳng định, các quy tắc Dublin của châu Âu, trong đó yêu cầu người nộp đơn xin tị nạn tại các nước EU đầu tiên họ vào vẫn có hiệu lực, đồng thời kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu khác tuân theo nguyên tắc này. 

Trong động thái bày tỏ sự chia sẻ với chính sách tiếp đón người di cư, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila tuyên bố sẵn sàng nhường lại ngôi nhà ngoại ô của mình để đón tiếp những người di cư. Ông hy vọng sẽ cổ vũ được thêm nhiều người khác cùng sẻ chia gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Phần Lan dự kiến sẽ nhận khoảng 30.000 đơn xin nhập cư trong năm nay, cao hơn tới bảy lần so với năm ngoái.

Bước đi của Áo, Đức và Phần Lan cho thấy bắt đầu có sự chung tay của các nước châu Âu trong việc chia sẻ trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Tuy vậy, sự chia rẽ sâu sắc hơn giữa các nước Liên minh châu Âu vẫn được thể hiện trong cuộc họp Ngoại trưởng EU tại Luxemboug ngày 5/9. 

Bất chấp những cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng di cư mà châu Âu đang phải đối mặt, các Ngoại trưởng EU vẫn chưa đạt được bất cứ bước tiến nào. Một kế hoạch do Ủy ban châu Âu đề xuất tuần tới dự kiến đặt hạn ngạch cho các nước tiếp nhận người tị nạn từ những nước như Hy Lạp, Hungary và Italy. 

Đức và Pháp ủng hộ đề xuất hạn ngạch bắt buộc này nhưng Hungary, Séc, Ba Lan và Slovakia phản đối. Các bộ trưởng cũng không thể tìm ra tiếng nói chung về liệu thành lập những trung tâm quản lý khẩn cấp thực hiện các  thủ tục xin tị nạn. 

Trước những bất đồng này, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cảnh báo: “Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề khẩn cấp nhưng không thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp diễn và chúng ta phải chấp nhận nó. Nếu chúng ta càng sớm nhận thức được điều này thì chúng ta sẽ sớm đưa ra được các biện pháp hiệu quả để giải quyết”.

Các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tư pháp EU sẽ nhóm họp khẩn cấp về vấn đề di cư vào ngày 14/9 tới đây tại Bruselles (Bỉ). Thủ tướng Áo Werner Faymann ngày 5/9 cũng kêu gọi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu về vấn đề di cư ngay sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tư pháp EU./.