Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 13/12 công bố trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bản báo cáo chính thức về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, trước khi đưa vấn đề ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào đầu tuần tới.

bao-cao-syria.jpg
Trưởng nhóm điều tra LHQ Aake Sellstron trao bản báo cáo về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria cho Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 13/12 (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế “trừng phạt những kẻ đã sử dụng vũ khí hóa học tại Syria”, một ngày sau khi nhóm điều tra Liên Hợp Quốc công bố báo cáo cuối cùng về vấn đề này.

Cũng giống như bản báo cáo sơ bộ hồi tháng 9 vừa qua, báo cáo lần này cũng nhấn mạnh, vũ khí hóa học có thể đã được sử dụng ít nhất 5 lần trong cuộc xung đột tại Syria, song không nêu rõ bên nào là thủ phạm những vụ tấn công, bởi điều này nằm ngoài sứ mệnh của các điều tra viên.

“Các nhà điều tra Liên Hợp Quốc đã thu thập được những bằng chứng thuyết phục cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng nhiều lần tại Syria nhằm vào cả các mục tiêu quân sự và dân thường. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm đạo đức và chính trị phải trừng trị thủ phạm của những vụ tấn công kiểu này nhằm tránh tái diễn các vụ việc tương tự và để đảm bảo rằng, vũ khí hóa học không bao giờ trở thành công cụ để phát động chiến tranh”, ông Ban Ki-moon nêu rõ.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nước vẫn chưa ký hay thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hóa học nhanh chóng tham gia. Đồng thời ông đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học tại Syria.

Theo ông, cộng đồng quốc tế đều mong đợi nước Cộng hòa Arab Syria tôn trọng đầy đủ các cam kết nhằm tiêu hủy hoàn toàn số vũ khí này từ nay đế cuối tháng 6 năm tới.

Trong khi đó, phát biểu với báo chí, Trưởng nhóm điều tra Liên Hợp Quốc Aake Sellstron một lần nữa khẳng định, việc xác định thủ phạm của các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học không nằm trong sứ mệnh của nhóm điều tra. Nhiệm vụ của các nhà điều tra chỉ tập trung điều tra việc có sử dụng vũ khí hóa học hay không. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cũng giống như bản báo cáo sơ bộ trước đó, sự không rõ ràng về thủ phạm các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học có thể một lần nữa gây tranh cãi giữa các bên liên quan.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước đó đã thừa nhận lực lượng chính phủ có trang bị vũ khí hóa học và cam kết chuyển giao số vũ khí này cho các chuyên gia quốc tế. Tuy nhiên, ông Assad khẳng định quân đội của ông không tấn công người dân và bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc từ nhiều nước phương Tây cho rằng chính quyền Syria đứng đằng sau các cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học.

Hồi tháng 9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Syria tuân thủ kế hoạch do hai nước Nga, Mỹ soạn thảo, theo đó quy định tất cả vũ khí hóa học của Syria phải được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế vào giữa năm 2014. Đây được xem là vấn đề duy nhất mà cộng đồng quốc tế đạt được sự đồng thuận liên quan tới cuộc xung đột tại Syria, có thể mở đường cho những đồng thuận tiếp theo./.