Hôm qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới và bắt đầu một kỷ nguyên mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên đang đình trệ trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu lạc quan khi 2 quốc gia này mới đây đều để ngỏ khả năng sớm trở lại bàn đàm phán.
Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân (26/9), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, giải quyết mối đe dọa vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ trọng tâm của Liên Hợp Quốc kể từ khi thành lập. Dù tổng số vũ khí hạt nhân đã giảm trong nhiều thập kỷ, nhưng hiện trên thế giới vẫn có khoảng 14.000 đơn vị vũ khí loại này. Theo ông, thế giới đang đối mặt với “mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất” trong gần 4 thập kỷ qua khi các nước đều đua nhau cải thiện chất lượng kho vũ khí của mình. Do đó, ông cho rằng hiện là thời điểm cần loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới, mở ra một thời kỳ mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình cho tất cả người dân.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi tất cả các quốc gia nắm giữ công nghệ hạt nhân ký Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT), vốn đã được 185 quốc gia ký kết. Tuy nhiên, để Hiệp ước này có hiệu lực, nó phải được ký và phê chuẩn bởi 44 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân, trong đó phải kể đến 5 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn là Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Israel, Iran và 3 quốc gia chưa ký hiệp ước là Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã kêu gọi các nước thể hiện thiện chí chính trị nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết để Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện có hiệu lực trong những năm tới. Trong khi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ về Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Bonnie Jenkins thông báo chính quyền đương nhiệm nước này muốn khôi phục lập trường ủng hộ Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện và có kế hoạch thúc đẩy để Hiệp ước này có hiệu lực thi hành. Hiện Nga và Mỹ cũng đang tiến hành đối thoại về việc kiểm soát vũ khí và muốn các cường quốc quân sự khác cùng tham gia.
Tuy nhiên, rất khó để có được một thế giới không vũ khí hạt nhân và thế giới cần hành động nhiều hơn nữa. Đặc biệt các vấn đề hạt nhân hoóc búa khiến thế giới đau đầu của Iran và Triều Tiên cũng cần giải quyết sớm.
Trên thực tế, cả hai tiến trình đàm phán này đều đang rơi vào bế tác, cộng thêm việc hôm qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, Iran đã không thể tôn trọng đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận đạt được cách đây 2 tuần cho phép các thanh sát viên lắp đặt các thiết bị giám sát các cơ sở hạt nhân tại nước này.
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu lạc quan để thế giới hi vọng. Tại đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng mới của Iran mới đây cho biết, nước này sẽ sớm trở lại bàn đàm phán; trong khi Tân Tổng thống Iran Ibrahim Raisi khẳng định: “Chính sách chiến lược của Cộng hòa Hồi giáo Iran coi việc sản xuất và tích trữ vũ khí hạt nhân là điều bị cấm – đó cũng là sắc lệnh tôn giáo của Lãnh tụ tối cao. Hạt nhân không có chỗ đứng trong học thuyết quốc phòng và chính sách răn đe của Iran”.
Trong khi đó, dù bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại trong hai năm qua, soing cũng từ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in đã kêu gọi và đề xuất ra tuyên bố “kết thúc chiến tranh” với Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã phản ứng tích cực với đề xuất của Hàn Quốc, đồng thời cho biết sẽ cân nhắc việc tham dự một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều nếu có.
Mối quan hệ liên Triều nếu được cải thiện, có thể là cây cầu nối giúp Triều Tiên và Mỹ có cơ hội đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa Triều Tiên, qua đó Bình Nhưỡng cũng được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cấm vận. Đó cũng là điều thế giới đang mong muốn hiện nay trong việc tìm lời đáp vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên./.