- LHQ điều tra ảnh hưởng của hạt nhân tại Nhật Bản
- Phát thanh trực tuyến: Thảm hoạ Chernobyl, 25 năm nhìn lại
Sáng 6/8, lễ tưởng niệm hòa bình Hiroshima đã được tổ chức nhân kỷ niệm 66 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản).
Khác với mọi năm, lễ tưởng niệm năm nay không chỉ kêu gọi xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân mà còn là dịp đưa ra lời kêu gọi về một chính sách năng lượng mới ở Nhật Bản sau sự cố hạt nhân vừa qua.
Đúng 8h15’ sáng 6/8, tiếng chuông hòa bình đã vang lên tại Công viên hòa bình ở thành phố Hiroshima kỷ niệm 66 năm thời khắc quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố.
Đã 66 năm trôi qua nhưng nỗi đau đớn mất mát vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng các nạn nhân bom nguyên tử. Một nạn nhân của bom nguyên tử nói: “66 năm là một khoảng thời dài nhưng cảm giác vẫn như mới đây. Nó như một giấc mơ. Ngay cả bây giờ vẫn thật khủng khiếp”.
Trên thực tế, dù 66 năm đã trôi qua nhưng hậu quả do quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima vẫn còn hiện hữu. Trong 1 năm qua đã có thêm gần 5.800 người chết do các di chứng gây ra bởi quả bom nguyên tử, nâng tổng số người chết lên hơn 275.000 người.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui kêu gọi toàn thế giới nỗ lực loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ông Matsui cũng yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải thay đổi toàn diện chính sách năng lượng nhằm lấy lại niềm tin của người dân sau sự cố hạt nhân vừa qua.
Cũng tại buổi lễ này, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã có bài phát biểu thể hiện quyết tâm của Nhật Bản trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận trên thế giới về cắt giảm và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Liên quan đến sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Thủ tướng Kan thừa nhận mức độ nghiêm trọng và lâu dài của sự cố này. Thủ tướng Kan nói: “Nhật Bản sẽ kiểm điểm lại sâu sắc suy nghĩ từ trước đến nay về độ an toàn tuyệt đối của điện hạt nhân. Chính phủ sẽ xác định rõ nguyên nhân của sự cố và đưa ra các biện pháp căn bản nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân. Đồng thời giảm dần mức độ phụ thuộc vào điện hạt nhân, tiến tới xây dựng một xã hội không phụ thuộc vào điện hạt nhân”.
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Kan đưa ra tuyên bố về mục tiêu tiến tới một xã hội không phụ thuộc vào điện hạt nhân. Trước đó, hồi đầu tháng 7, sau khi lần đầu tiên đưa ra mục tiêu này, Thủ tướng Kan đã phải cải chính rằng đó chỉ là ý tưởng của cá nhân chứ chưa phải là chính sách của chính phủ.
Với việc lần thứ 2 đưa ra mục tiêu này tại Lễ tưởng niệm hòa bình Hiroshima, Thủ tướng Kan dường như muốn thúc đẩy tiến trình biến ý tưởng này trở thành chính sách chính thức của Nhật Bản./.