Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã xem xét các hoạt động xây dựng thành phố bền vững về môi trường, thảo luận về tương lai hợp tác của ASEAN trong lĩnh vực môi trường, trong đó thúc đẩy các sáng kiến mới về hợp tác về môi trường trong khu vực.
Các Bộ trưởng xem xét các hoạt động tiểu vùng khu vực và của quốc gia nhằm giải quyết vấn đề xác định khu vực hay xảy ra cháy rừng gây ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, hoan nghênh những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Chương trình thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới của các nước, bao gồm cả các hoạt động cụ thể và thực hiện Chiến lược quản lý đất than bùn ASEAN (giai đoạn 2006-2020).
Các bộ trưởng đánh giá cao việc thông qua Điều khoản tham chiếu của Nhóm công tác ASEAN về vùng đất than bùn của Ủy ban các bên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới; Thông qua mức độ cảnh báo, các điểm bắt buộc và các kế hoạch đối phó với cháy rừng nhằm hoàn thiện và nâng cao các tiêu chuẩn Thủ tục hiện tại về Giám sát, Đánh giá và Ứng cứu khẩn cấp theo Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Các bộ trưởng kêu gọi các nước ASEAN thực thi các cấp độ cảnh báo, điểm báo và hành động kích hoạt để ngăn chặn sự tái phát của ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Các Bộ trưởng hoan nghênh những thành tựu đáng kể được thực hiện sau khi kết thúc các hoạt động trong 5 năm dự án rừng đất than bùn ASEAN (APFP) do Quỹ Môi trường toàn cầu (2009-2014) tài trợ, để duy trì sinh kế địa phương, làm giảm nguy cơ cháy rừng và sương mù liên quan và góp phần quản lý môi trường toàn cầu; Đánh giá cao sự phát triển tích cực của Chương trình ASEAN về Quản lý bền vững hệ sinh thái đất than bùn (2014-2020) đã được xác nhận tại Hội nghị lần thứ 9 của Hội nghị các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới vào năm 2013 (COP-9).
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua việc đề cử khu bảo tồn động vật hoang dã và mạng lưới Vườn Di sản ASEAN thuộc các khu bảo tồn quốc gia. Nhân dịp này, các Bộ trưởng đã trao chứng nhận cho 10 thành phố đạt Giải thưởng ASEAN về Thành phố bền vững môi trường lần thứ 3, trong đó có thành phố Huế của Việt Nam và trao Chứng nhận Thành phố tiềm năng cho 6 thành phố, trong đó có Đà Lạt của Việt Nam./.