Hội thảo “Bài học kinh nghiệm về quản lý an toàn đập” tại Lào vừa được Chính phủ Lào phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Lào tổ chức nhằm thảo luận về các khung pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện - vốn được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế của nước này.      

An toàn các đập thủy điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Lào, nhất là sau sự cố vỡ đập phụ công trình thủy điện Xepian-Xenamnoy tháng 7/2018.  Sau sự cố này, một cuộc thanh tra kỹ thuật toàn bộ 125 đập thủy điện lớn nhỏ trên phạm vi cả nước đã được Chính phủ Lào tiến hành dưới sự tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB) và các đối tác phát triển.

 

Trên cơ sở báo cáo thanh tra này, Hội thảo đã tập trung trao đổi thông tin, hoạch định công tác quản lý, xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị vận hành đập, việc quản lý hoạt động sản xuất điện của các nhà máy, cách thức ứng phó trong trường hợp khẩn cấp nhằm giảm thiểu thiệt hại đến kinh tế, môi trường và xã hội… nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện thực hiện đồng thời chức năng phát điện với việc cắt lũ trong mùa mưa và chống hạn trong mùa khô;  Trong đó, chủ đầu tư các đập thủy điện phải chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng báo cáo về mức độ an toàn của dự án.

 

Xuất khẩu điện được xác định là mũi nhọn kinh tế của Lào. Năm 2019, quốc gia này đã xuất khẩu hơn 6.000MW điện và hoàn thành thêm 12 đập thủy điện mới. Trong đó có các đập lớn là Nậm Nghiệp 1, Xepian-Xenamnoy và Don Sahong. Từ nay cho đến năm 2021, dự kiến sẽ có thêm 27 dự án thủy điện hoàn thành đi vào khai thác./