Với 16 ca mắc mới hôm 14/5, số bệnh nhân Covid-19 của Lào đã xấp  xỉ 1.500 người, trong đó gần 1.450 trường hợp là mắc mới trong đợt bùng phát thứ 2 từ giữa tháng 4.

Các tỉnh Savanakhet ở phía Trung Lào, Champasak ở Nam Lào là những địa phương có số người nhiễm Covid-19 cao trong đợt bùng phát dịch lần này. Đây lại là những địa phương có chung đường biên giới trên sông với Thái Lan nhiều nhất. Vì vậy, chính quyền các địa phương này đang tăng cường hoạt động tuần tra biên giới, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép qua sông Mekong.

Bí thư- Tỉnh trưởng Savanakhet – ông Santiphab Phomvihane đã trực tiếp đi cơ sở thị sát tình hình và chỉ đạo lực lượng công an, biên phòng đẩy mạnh hoạt động tuần tra với Thái Lan dọc sông Mekong để ngăn chặn người nhập cảnh Lào bất hợp pháp, cố ý trốn tránh việc sàng lọc Covid-19. Đây là tỉnh nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây dọc Quốc lộ 9, thông thương với Thái Lan qua cửa khẩu Hữu Nghị 2 và với tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) qua cặp cửa khẩu Densavanh-Lao Bảo.          

Trong khi đó, tại tỉnh Champasak – địa phương xếp thứ 3 về số bệnh nhân Covid-19 sau thủ đô Vientiane và tỉnh Bokeo. Từ khi dịch bùng phát tới nay, dường như ngày nào tỉnh này cũng ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 từ người nhập cảnh  và từ cộng đồng. Cơ quan chức năng tỉnh Champasak cũng đang tăng cường lực lượng tuần tra trên sông, trên bộ để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép từ Thái Lan vào Lào, gây nguy cơ làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng.

Tuy không có chung đường biên giới với Việt Nam nhưng với hàng trăm bệnh nhân Covid-19, hầu hết là nhận cảnh từ Thái Lan, nếu không quản lý tốt, dịch Covid-19 rất dễ theo chân người nhập cảnh trái phép vào Cham-pa-sác rồi lây lan sang các tỉnh khác như Saravan, Attapeu, Sekong.... các địa phương giáp biên giới và có nhiều cửa khẩu thông thương với Việt Nam.

Trong khi đó, Nhật Bản gần đây đã xuất hiện các hình thức lừa đảo nhắm tới đối tượng là người cao tuổi muốn được “ưu tiên” tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hình thức tội phạm này xảy ra trong kbối cảnh dịch bệnh đang bùng phát và mới chỉ có hơn 1% dân số nước này nhận được các mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Theo cơ quan phụ trách các vấn đề người tiêu dùng Nhật Bản, tính đến ngày 10/5 đã có 88 trường hợp khiếu nại liên quan đến lừa đảo vaccine ngừa Covid-19 được gửi đến các chi nhánh của cơ quan này trên toàn quốc. Những thiệt hại về tiền cũng đã được xác nhận.

Tại Tokyo, một trung tâm y tế giả mạo quảng cáo rằng, nếu đóng 100.000 yên (tương đương 20 triệu đồng), thì sẽ được ưu tiên tiêm phòng và số tiền này sẽ được trả lại sau đó. Thậm chí, ở tỉnh Akita, có cuộc điện thoại nói rằng, nếu trả tiền thì có thể chọn ngày tiêm theo ý muốn. Ở tỉnh Shiga, cũng xuất hiện một trường hợp lừa đảo nói rằng có thể đặt trước suất tiêm.

Theo cảnh sát Nhật Bản, các cuộc gọi đáng ngờ đã được xác nhận ở nhiều nơi khác nhau như Aichi, Osaka và Fukuoka và phương thức lừa đảo đang dần thay đổi.

Trước đó, vào đầu tháng 4, một người đàn ông ở vùng Tokai cho biết, đã nhận được một cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên của một tổ chức, nói rằng: việc tiêm chủng đã bắt đầu và chi phí sẽ vào khoảng 500.000 yen, vì đây là loại thuốc mới. Vào cuối tháng 4, một người đàn ông ở tỉnh Akita nhận được một lá thư viết rằng, còn dư vaccine và có thể nhận được nếu bạn thanh toán 500.000 yên.

Cảnh sát Nhật Bản khuyến cáo người dân cần phải nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn trên, các cơ quan chính phủ không bao giờ hỏi tiền hoặc thông tin cá nhân. Nếu nhận được yêu cầu nộp tiền tiêm phòng, hãy dập máy và báo ngay cho các đơn vị chức năng./.