Tuyên bố đưa ra đúng 6 tháng sau khi quân đội Myanmar bắt giữ các lãnh đạo chính quyền chủ chốt với cáo buộc gian lận bầu cử, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm tại nước này.
Phát biểu trên truyền hình, Thống tướng Hlaing cam kết tổ chức các cuộc bầu cử mới từ nay đến tháng 8/2023, hướng tới việc thiết lập một hệ thống đa đảng dân chủ.
Ông Hlaing đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ đã được các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định hồi tháng 4 vừa qua: “Chúng tôi cam kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử đa đảng tự do và công bằng. Từ nay đến thời điểm đó, chúng tôi sẽ làm những việc nên làm và sau đó sẽ mất 6 tháng để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử theo luật định. Myanmar sẵn sàng làm việc về hợp tác ASEAN trong khuôn khổ ASEAN, bao gồm đối thoại với Đặc phái viên ASEAN tại Myanmar.”
Tuyên bố đưa ra chỉ một ngày trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 54, với một trong những trọng tâm thảo luận là các nỗ lực nhằm ổn định tình hình Myanmar. Trước đó hồi đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Dato Erywan Pehin Yusof và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã tới Myanmar nhằm thảo luận về cách thức ASEAN có thể hỗ trợ Myanmar đạt được giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân thông qua việc thực hiện hiệu quả và kịp thời đồng thuận 5 điểm, đặc biệt là việc bổ nhiệm và vai trò đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar, cũng như cách ASEAN có thể hỗ trợ tạo điều kiện cho đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên ở Myanmar và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar.
Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Mỹ, cùng với những nước khác cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong khôi phục ổn định ở Myanmar.
Trong một phát biểu mối đây, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nêu rõ, quan điểm chủ đạo của ASEAN là hỗ trợ nhân đạo, chấm dứt bạo lực ở Myanmar và đưa tình hình quay lại lộ trình đàm phán trực tiếp giữa tất cả các bên liên quan, hướng tới trạng thái bình thường, hòa bình và ổn định lâu dài.
“Quan điểm chủ đạo của ASEAN không phải là can dự, mà là hỗ trợ. Bởi tương lai của Myanmar phải do chính người Myanmar quyết định. Tuy nhiên, ASEAN sẵn sàng hỗ trợ và thúc đẩy hòa giải các bên tại Myanmar.”
Quốc gia thành viên ASEAN này rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 vừa qua sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) với cáo buộc có hành vi gian lận bầu cử. Sau khi tạm nắm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực.
Cuộc khủng hoảng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nỗ lực ổn định an ninh, phục hồi kinh tế, cũng như chống dịch Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này. Sự gia tăng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã khiến hệ thống y tế của đất nước quá tải, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo. Chương trình Lương thực thế giới ước tính hơn 6 triệu người tại Myanmar đang rất cần viện trợ lương thực và gần một nửa dân số nước này có thể rơi vào nghèo đói từ đầu năm sau. Dự kiến tại cuộc họp ngày mai, các ngoại trưởng ASEAN cũng sẽ công bố đề xuất cung cấp viện trợ cho Myanmar, bao gồm các nỗ lực nhằm giúp nước này chống lại đại dịch Covid-19./.