Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bắt đầu chuyến thăm chính thức 3 ngày tới Trung Quốc (từ ngày 5 đến 7/5). Tiếp ngay sau đó, ngày 6/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc (từ ngày 6 đến 10/5). Cả hai nhà lãnh đạo của Trung Đông đều sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với các nhà chức trách Trung Quốc tại Bắc Kinh, trong đó tập trung vào các vấn đề chính trị và thương mại song phương. 

abbas-tap-can-binh.jpg
Tổng thống Palestine Abbas gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/5 (Ảnh: AFP)

Đối với cả hai nhà lãnh đạo Palestine và Israel, chuyến thăm tới Trung Quốc không chỉ để thắt chặt mối quan hệ với phía Trung Quốc. Các nội dung quan trọng của các cuộc hội đàm là các thoả thuận song phương và đặc biệt là vai trò của Trung Quốc tại Trung Đông.

Người phát ngôn của Thủ tướng Israel Mark Regev cho biết: “Chúng tôi sẽ thảo luận với các nhà chức trách Trung Quốc về các vấn đề khu vực và toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm. Tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ thảo luận các vấn đề liên quan tới sự ổn định của khu vực Trung Đông”.

Cả hai nhà lãnh đạo Trung Đông đều không hy vọng vào một sự đột phá tại Bắc Kinh, nhưng đều muốn thúc đẩy vai trò của Trung Quốc như một nhà bảo trợ. Phát biểu với báo chí tại Bắc Kinh, Tổng thống Palestine Abbas cho biết, ông sẽ thông báo về những rào cản trong tiến trình đàm phán hoà bình, và hy vọng Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình vốn đang bị đóng băng này.

Việc chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Palestine diễn ra gần như cùng thời điểm với chuyến thăm của Thủ tướng Israel Netanyahu là cơ hội để Trung Quốc lắng nghe cả hai phía. Ông Abbas cũng sẽ thúc giục Trung Quốc sử dụng mối quan hệ với Israel để dỡ bỏ những rào cản đang cản trở nền kinh tế Palestine.

Trung Quốc vốn có chính sách ngoại giao khiêm tốn tại Trung Đông, nhưng muốn tăng cường vai trò chính của mình trong các vấn đề chính trị quốc tế. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực làm trung gian cho vấn đề này, nhưng chưa đạt được những thành công cụ thể.

Đặc phái viên Trung Quốc về Trung Đông Ngô Tư Khoa cho biết, Trung Quốc vẫn giữ vững lập trường về giải pháp hai nhà nước.

Ông Khoa nêu rõ: “Trung Quốc ủng hộ việc thành lập nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô. Lãnh đạo mới của Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình hoà bình Trung Đông và nhằm khôi phục các cuộc đàm phán giữa hai bên trên cơ sở giải pháp hai nhà nước”.

Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ thân cận với Palestine hàng chục năm qua. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng thúc đẩy mối quan hệ tốt với Israel, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng.

Đánh giá về vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiến trình hoà bình Trung Đông, Đại sứ Palestine tại Trung Quốc Ahmad Abbas Ramadan cho biết, Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực trong mối quan hệ tốt đẹp của nước này với cả Israel và Palestine.

“Cộng đồng quốc tế đã nỗ lực khôi phục tiến trình hoà bình nhưng vẫn còn những rào cản, đặc biệt là từ phía Israel. Hoà bình có thể đạt được nếu họ có thiện chí tốt," ông Abbas Ramadan nhấn mạnh. "Hiện nay, vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế đang ngày càng tăng. Trung Quốc cũng đóng vai trò đáng kể trong tiến trình hòa bình vì họ có mối quan hệ tốt với các nước Arab, cũng như với Palestine và Israel”, Chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Palestine và Israel được thực hiện theo lời mời của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đây là một trong những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiến trình hoà bình Trung Đông. Những nỗ lực này được khởi động trước đó bằng chuyến thăm của Đặc phái viên Trung Quốc về hoà bình Trung Đông Ngô Tư Khoa tới Jerusalem và khu Bờ Tây.

Cho tới thời điểm này, vẫn chưa rõ Tổng thống Palestine Abbas và Thủ tướng Israel Netanyahu có gặp nhau tại Trung Quốc hay không, nhưng phía Trung Quốc cho biết, họ sẵn sàng hỗ trợ nếu lãnh đạo hai bên muốn tiến hành cuộc gặp song phương tại Bắc Kinh./.