Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời Phó giám đốc hội đồng an ninh Kyrgyzstan Omurbek Suvanaliyev hôm nay (8/10) đưa tin, Kyrgyzstan đã đóng cửa biên giới của mình để đảm bảo an ninh trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ngày một trầm trọng.

Từng tổ chức biểu tình quy mô lớn, xông vào chiếm các tòa nhà công quyền, buộc chính phủ từ chức, song hiện các đảng phái từng thuộc phe đối lập Kyrgyzstan lại đang tỏ ra mâu thuẫn sâu sắc trong việc phân chia quyền lực.

Hãng tin Reuters vừa đưa tin, 2 nhóm người biểu tình, ủng hộ cho 2 đảng đối lập tại Kyrgyzstan vừa xảy ra xô xát, đụng độ; song không rõ thương vọng. Hiện có ít nhất 3 nhóm riêng biệt đang cố gắng giành quyền lãnh đạo đất nước. Trước hết là Hội đồng Điều phối đầu tiên được thành lập vào ngày 6/10 – chủ yếu gồm các đảng chính trị có tư tưởng chống Tổng thống Jeenbekov. Một nhóm khác tự xưng là Hội đồng Điều phối Nhân dân tập hợp 5 đảng đối lập ít được biết đến hơn với lãnh đạo không nắm các vị trí cấp cao trong chính phủ. Nhóm còn lại là Đảng Ata Zhurt đã đề cử ứng cử viên Sadyr Zhaparov – người mới được giải phóng khỏi nhà tù, cho chức vụ Thủ tướng vào tối 6/10.

Trước những diễn biến làm chao đảo chính trường Kyrgyzstan, Tổng thống nước này Sooronbai Jeenbekov đã cáo buộc các phe đối lập đang cố gắng chiếm quyền lực một cách “bất hợp pháp”.

“Một số lực lượng chính trị đã âm mưu lật đổ chính phủ một cách bất hợp pháp. Họ sử dụng cuộc bầu cử như một cái cớ và vi phạm nghiêm trọng trật tự công cộng. Họ không để cho người dân được yên. Họ không tuân thủ pháp luật, đánh nhân viên y tế và làm hư hại các tòa nhà. Tôi đã ra lệnh cho các cơ quan thực thi pháp luật không được nổ súng để không có máu đổ. Cho đến nay, họ đã làm tất cả để không làm trầm trọng thêm tình hình”, ông Jeenbekov nói.

Tuy nhiên, một nhóm đối lập trong quốc hội Kyrgyzstan hôm qua (7/10) đã ký vào bản luận tội Tổng thống Jeenbekov. Dù tiến trình để có thể luận tội Tổng thống mới là giai đoạn ban đầu, song đây là quá trình khá phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh sự bất đồng quan điểm giữa các đảng phái trong quốc hội đang là khá lớn. Do đó, sẽ khó đạt được sự thống nhất trong việc luận tội và phế truất Tổng thống.

Hiện cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát diễn biến tại Kyrgyzstan. Liên Hợp Quốc, Nga, Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đang kêu gọi các bên ở Kyrgyzstan kiềm chế, đối thoại để giải quyết các bất đồng sau cuộc bầu cử hôm 4/10; hi vọng quốc gia Trung Á này nhanh chóng ổn định trở lại./.