Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tại Venezuela vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu sau khi Quốc hội lập hiến nước này chính thức ra mắt vào cuối tuần trước.

Không những vậy, Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro còn tiếp tục phải hứng chịu chỉ trích của nhiều nước vì nghi ngờ gian lận phiếu bầu. Thế nhưng niềm tin về một cuộc phục hồi đang trở lại từ bên trong đất nước Venezuela.

maduro_prcf.jpg
Tổng thống Venezuela Maduro. Ảnh: business insider.

Ngay sau khi Tổng thống Maduro tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội lập hiến hôm 31/7 vừa qua, Mỹ và một loạt các nước trong khu vực đã phản ứng bằng cách tuyên bố không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử, đình chỉ tư cách thành viên của Venezuela tại Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mecosur), riêng Mỹ còn áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Venezuela.

Chưa dừng lại ở đó, sức ép trong khu vực càng gia tăng khi ngày hôm qua (8/8), Ngoại trưởng từ nhiều nước Mỹ Latin đã nhóm họp tại thủ đô Lima, Peru để phát đi một tuyên bố chung cho rằng, Quốc hội lập hiến của Venezuela mới được bầu ra là không hợp pháp và các nước này ủng hộ một giải pháp hòa bình, trên cơ sở thương lượng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.

Đảng cầm quyền vẫn nắm thế chủ động

Mặc dù vậy, những áp lực từ bên ngoài có vẻ không thể tác động đến tình hình chính trị nội bộ tại Venezuela. Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền của Tổng thống Maduro đã kiện toàn bộ máy tổ chức của Quốc hội mới và bắt đầu đi vào hoạt động nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị đang diễn ra.

Nghị sĩ Diosdado Cabello, người mới được bầu vào Quốc hội lập hiến Venezuela cho biết: “Mặc cho phe cánh hữu tiếp tục công kích Quốc hội lập hiến, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động và tiếp tục tiến lên. Về những quyết định chúng tôi sẽ đưa ra, điều quan trọng là nhân dân hiểu rằng, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ luật pháp, bản Hiến pháp năm 1999”.

Bất chấp những cáo buộc từ bên ngoài và sự phản kháng của phe đối lập ở trong nước, cơ quan lập pháp do hơn 8 triệu cử tri Venezuela bầu ra lần này có thể sẽ giúp giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng, đem lại sự bình ổn cho đất nước.

Khác tình trạng bế tắc trước đây khi Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, với Quốc hội lập hiến hiện nay, Tổng thống Maduro có thể dễ dàng thực thi các chính sách của mình trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế, kiểm soát an ninh trật tự. Đây có thể là thời điểm bắt đầu cho một quá trình ổn định và đi lên của đất nước Venezuela.

Bên cạnh đó, Venezuela vẫn không đơn độc trên trường quốc tế khi tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các nước bạn bè cánh tả, đặc biệt các nước trong khu vực như Nicaragua, Bolivia, El Salvador và Cuba. Tổng thống Maduro hy vọng, thời gian tới, tiếp tục đối thoại với các nước trong khu vực để các nước hiểu rõ hơn về tình hình Venezuela.

Ông Maduro nói: “Tôi cho rằng chúng ta đang thiếu một cuộc đối thoại trong khu vực. Tôi muốn đề xuất với lãnh đạo các nước trong khối ALBA và các nước khác về việc bắt đầu một cuộc đối thoại liên quan đến tình hình Venezuela”.

Với tình hình chính trị nội bộ đã dần được kiểm soát, Chính quyền của Tổng thống Maduro đang có điều kiện thuận lợi để đối phó khủng hoảng, tuy nhiên, quá trình bình ổn và tái thiết đất nước đòi hỏi Chính quyền phải kiểm soát hoặc thỏa hiệp được với phe cánh hữu đối lập để giảm bớt căng thẳng chính trị, tạo ra môi trường an ninh, chính trị ổn định.

Bên cạnh khó khăn về chính trị, vấn đề vực dậy nền kinh tế sẽ là thách thức thực sự, quyết định sự ủng hộ của nhân dân đối với Tổng thống Maduro. Chính vì thế mà đối với người dân Venezuela, sự ra đời của Quốc hội Lập hiến được xem là niềm hy vọng nhằm giúp nước này vực dậy được nền kinh tế cũng như tìm được tiếng nói ủng hộ từ cộng đồng quốc tế./.