Với trọng trách sửa đổi Hiến pháp năm 1999, Quốc hội lập hiến được kỳ vọng sẽ đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay, hướng tới hòa bình và ổn định.

maduro_qjhl.jpg
Tổng thống Venezuela ra mắt Quốc hội lập hiến. Ảnh: EPA.

Sau 1 ngày trì hoãn, Quốc hội lập hiến tại Venezuela chính thức ra mắt tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô Caracas. Trước đó, hôm 2/8, 545 thành viên của cơ quan này đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Maduro. Theo Tổng thống Maduro, Quốc hội lập hiến là niềm hy vọng của đất nước, cho phép dẹp bỏ mọi mối đe dọa.

Được thành lập theo sáng kiến của Tổng thống Maduro, Quốc hội lập hiến được trao những quyền lực tối thượng, đặc biệt là sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999 dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez.

Ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày hôm qua (3/8), song lễ ra mắt của Quốc hội lập hiến đã bị hoãn 1 ngày do những cáo buộc về gian lận phiếu bầu. Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela đã bác bỏ và cho rằng, những cáo buộc này là "nghiêm trọng," "vô trách nhiệm" và "vô căn cứ".

Theo Ủy ban bầu cử Quốc gia Venezuela, gần 8,1 triệu cử tri, tương đương 41,5% tổng số cử tri của Venezuela đã bỏ phiếu bầu Quốc hội lập hiến, cao hơn so với con số 7,6 triệu cử tri mà phe đối lập tập hợp được trong cuộc trưng cầu ý dân phản đối kế hoạch thành lập Quốc hội lập hiến hôm 16/7 vừa qua. Con số này phần nào cho thấy thành công của Tổng thống Venezuela trong nỗ lực khôi phục sự ổn định của đất nước.

Một người dân ở thủ đô Caracas nói: “Điều mà tôi hy vọng nhất lúc này là sẽ có một sự thỏa hiệp chính trị và hòa bình tại Venezuela. Bởi vì, điều mà không chỉ tôi mà toàn thể người dân đất nước mong muốn đó đoàn kết và hòa bình sẽ chiến thắng”.

Tuy nhiên, sức ép đối với Tổng thống Maduro không chỉ ở trong nước, mà cả quốc tế. Chính phủ Peru cho biết đang chuẩn bị cho cuộc họp bất thường cấp Ngoại trưởng khu vực vào ngày 8/8 để đưa ra quyết định về tình hình Venezuela hiện nay.

Trong khi đó khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) dự kiến nhóm họp vào ngày mai tại Sao Paulo, Brazil để thảo luận về tư cách thành viên của nước này.

Đây cũng là thách thức mà Tổng thống Maduro phải đối mặt thời gian tới, đó là làm thế nào để tăng cường tính hợp pháp của cơ quan mới thành lập và làm thế nào để khôi phục sự đoàn kết của đất nước,cũng như niềm tin của cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh này, Liên Hợp Quốc và mới đây nhất là Chính phủ Nga đã đã kêu gọi hòa bình và tôn trọng luật pháp Venezuela, đồng thời hối thúc các đảng phái tại nước này bình tĩnh. Theo Liên Hợp Quốc, đối thoại vẫn là con đường duy nhất để đi tới hòa bình và ổn định.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc luôn theo dõi sát những diễn biến mới đây tại Venezuela. Trong thời điểm quan trọng này đối với tương lai đất nước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi toàn thể người dân Venezuela, đặc biệt là những người đại diện cho quyền lực của nhà nước, nỗ lực giảm căng thẳng, ngăn chặn bạo lực, cũng như tìm ra con đường đối thoại chính trị”.

Như một cam kết đối với người dân Venezuela, cựu Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez, thành viên Quốc hội lập hiến đã khẳng định cơ quan này sẽ làm việc để đảm bảo an toàn cho các công dân, chấm dứt bạo loạn, tái cơ cấu các cơ quan quyền lực nhà nước và đưa ra các giải pháp ngăn chặn cuộc chiến tranh kinh tế đang bao vây quốc gia này./.

Vì sao Venezuela rơi vào khủng hoảng?

VOV.VN - Từng được coi là “hình mẫu lý tưởng” về phát triển kinh tế xã hội ở Mỹ Latin, khó ai có thể ngờ Venezuela lại “rơi xuống địa ngục” nhanh như vậy.