Nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Burkina Faso, các lãnh đạo quân đội, các chính đảng và xã hội dân sự của nước này ngày 5/11 đã tiến hành đàm phán dưới sự trung gian của 3 nhà lãnh đạo Tây Phi là Nigeria, Senegal và Ghana. Tuy nhiên, cuộc đàm phán kết thúc mà chưa đề cử được nhà lãnh đạo mới đứng đầu chính phủ đoàn kết quá độ tại Burkina Faso.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc đàm phán, Tổng thống Ghana John Dramani Mahama, hiện là Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), cho biết, các bên đều nhất trí rằng quá trình chuyển tiếp tại Burkina Faso sẽ kéo dài trong thời hạn 1 năm cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức vào tháng 11 năm tới. Các bên cũng sẽ chọn ra một “nhà lãnh đạo dân sự” dẫn dắt quá trình chuyển tiếp tại Burkina Faso. Tuy nhiên, tên của nhân vật dân sự này vẫn chưa được đưa ra sau cuộc đàm phán.
Theo một số các nguồn tin, phe đối lập và các chính đảng và xã hội dân sự đã bác bỏ yêu cầu phải công bố ngay lập tức tên của ba ứng cử viên cho vị trí Tổng thống lâm thời, cho rằng, họ cần thêm thời gian để cân nhắc. Các bên cũng nhất trí khôi phục lại bản hiến pháp năm 1991 đã bị đình chỉ để quân đội có thể lên nắm quyền tại nước này.
Từ ngày 1/11 vừa qua, quân đội Burkina Faso lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sau khi Tổng thống Blaise Compaore từ chức. Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích của các chính trị gia đối lập và cộng đồng quốc tế. Theo Hiến pháp Burkina Faso, Chủ tịch Quốc hội sẽ làm Tổng thống lâm thời sau khi Tổng thống từ chức.
Trong một tuyên bố sau đàm phán, Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi Mahama đã hối thúc quân đội phải trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng chính phủ chuyển tiếp sẽ được thành lập trong vài ngày tới.
Trong một tuyên bố, ông Mahama nói: “Chúng tôi thực sự thất vọng về những gì đã diễn ra tại Burkina Faso. Điều quan trọng đối với Burkina Faso lúc này là phải thành lập được một chính phủ được sự đồng thuận của cả xã hội Burkina Faso. Chúng ta không thể đưa ra các quyết định đơn phương. Một chính phủ chuyển tiếp tại Burkina Faso không phải là một xã hội của một nhóm nào đó trong khi lại loại trừ những nhóm khác mà nó phải là một xã hội dân sự của tất cả mọi người trong xã hội”.
Trước đó, Liên minh châu Phi đã đặt hạn chót 14 ngày để quân đội Burkina Faso chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt như bị đình chỉ tư cách thành viên Liên minh châu Phi và cấm đi lại với các quan chức nước này.
Theo kế hoạch, Hội đồng An ninh và Hòa bình Liên minh châu Phi dự kiến sẽ nhóm họp tiếp vào cuối tháng này để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Burkina Faso./.