Trước các thủ lĩnh tinh thần của Burkina Faso, Trung tá Isaac Zida, người được quân đội chỉ định làm lãnh đạo lâm thời của nước này ngày 4/11 một lần nữa cam kết sẽ “trao trả quyền lực” cho một chính phủ dân sự. 

Tuy nhiên, tương lai với quốc gia Châu Phi vẫn chưa chắc chắn khi chưa có bất kỳ một thời điểm cụ thể nào được đưa ra và cộng đồng quốc tế tiếp tục gia tăng các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ ngòi nổ căng thẳng. 

zida_utdd.jpgTrung tá Isaac Zida đang đối mặt với nhiều thách thức để ổn định tình hình đất nước (Ảnh Reuters)

Trung tá Zida ngày 4/11 đã đẫn đầu một phái đoàn quân sự cấp cao nước này tới trước Tổng giám mục Philippe Ou é Draogo và ông Mogho Naba, “vua” tộc người Mossi tại Burkina Faso để khẳng định cam kết trao trả quyền lực. 

Tối 4/11, ông Zida cũng có cuộc gặp với các lãnh đạo nghiệp đoàn và khẳng định mong muốn thành lập một chính phủ đoàn kết để kiểm soát quá trình chuyển tiếp chính trị sau khi Liên minh châu Phi yêu cầu quân đội phải trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự trong vòng hai tuần. 

Tuy nhiên, tương lai chính trị tại Burkina Faso vẫn chưa chắc chắn khi không một thời điểm cụ thể nào được đưa ra và cuộc tranh giành quyền lực tại quốc gia Châu Phi này mới chỉ bắt đầu. 

Theo các nhà phân tích, đây có thể chỉ là bước đi tình thế của quân đội trước sức ép ngày càng tăng ở trong nước và quốc tế sau cuộc chính biến hồi cuối tháng 10 vừa qua. 

Dư luận cho rằng, hành động của quân đội là hoàn toàn vi hiến, bởi theo hiến pháp Burkina Faso, Chủ tịch Quốc hội sẽ làm Tổng thống lâm thời sau khi Tổng thống từ chức, chứ không phải là một lãnh đạo quân sự. 

Phát biểu trong chuyến thăm Canada, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 4/11 yêu cầu ông Zida trao trả quyền lực cho một chính quyền dân sự ngay trong những giờ tới để mở đường cho các cuộc bầu cử và Pháp sẽ chờ đợi các hành động cụ thể của nhà lãnh đạo này để đưa ra những bước đi tiếp theo. 

“Việc ông Compaore từ chức là một quyết định đúng đắn. Cùng với các lãnh đạo châu Phi khác, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, mà Burkina Faso là một thành viên, Chính phủ Pháp cũng đang triển khai các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng, tạo thuận lợi cho một tiến trình chuyển giao ổn định. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nước châu Phi khác nhằm tránh cho tình hình trở nên xấu hơn và phức tạp hơn”. 

Chính phủ Mỹ cùng ngày kêu gọi quân đội Burkina Faso chuyển giao quyền lực ngay lập tức cho một chính quyền dân sự. Vốn là đồng minh chính và là nước tài trợ lớn cho Burkina Faso, Chính phủ Mỹ hồi cuối tuần trước đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự tại Burkina Faso, song nhấn mạnh vẫn chưa quyết định ngừng viện trợ. 

Trong khi đó, các đại diện Liên Hợp Quốc, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Đặc phái viên Liên minh châu Phi về vấn đề Burkina Faso, cựu Thủ tướng Edem Kodjo ngày 4/11 đã tới thủ đô Ouagadougou để bắt đầu các nỗ lực trung gian hòa giải và bàn cách thức đưa quốc gia châu Phi này trở lại chế độ cầm quyền dân sự. 

Dự kiến trong 2 ngày 6-7/11 Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao, với nội dung thảo luận chính là tình hình tại Burkina Faso./.