Việc Tổng thống Blaise Compaore cuối tuần qua từ chức 2 ngày sau làn sóng biểu tình qui mô lớn đã để lại một khoảng trống chính trị lớn tại quốc gia Tây Phi này. Theo hiến pháp của Burkina Faso, Chủ tịch Quốc hội sẽ nhậm chức nếu Tổng thống từ chức, với nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 90 ngày.
Tuy nhiên, sau khi tiếm quyền, quân đội nước này lại chỉ định ông Isaac Zida - Phó chỉ huy lực lượng an ninh cho Tổng thống làm lãnh đạo lâm thời trong giai đoạn chuyển tiếp. Động thái này vấp phải sự chỉ trích từ các chính trị gia đối lập.
Phát biểu trước các nhà ngoại giao và phóng viên tại Thủ đô Ouagadougou ngày 3/11, ông Zida cho biết, mục đích chỉ định ông vào vị trí Tổng thống lâm thời là để đảm bảo một quá trình chuyển giao dân chủ suôn sẻ, đồng thời cam kết thành lập một chính phủ phù hợp với hiến pháp, dựa trên sự nhất trí rộng rãi của các bên.
Ông Zida nói: “Chúng tôi vẫn đang cố gắng đối thoại, bởi vì các bạn biết sự tham gia của một chính phủ không chỉ bao gồm lực lượng chính trị đối lập mà bao gồm các tổ chức xã hội dân sự, lãnh đạo tôn giáo, đại diện cho lực lượng thanh niên… Tất cả những người này đều cần nói lên tiếng nói của mình. Chúng tôi sẽ quyết định nhanh chóng, nhưng cũng phải đảm bảo rằng sẽ không mắc những lỗi có thể làm hủy hoại đất nước”.
Tuyên bố này của lãnh đạo lâm thời Burkina Faso Isaac Zida có thể giúp xoa dịu làn sóng phản đối của quốc tế về việc quân đội tiếm quyền, với các cảnh báo trừng phạt nghiêm khắc.
Liên minh châu Phi đưa ra tối hậu thư đối với quân đội nước này chuyển giao cho chính quyền dân sự trong vòng 2 tuần hay phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Mỹ cho biết đang đánh giá cuộc khủng hoảng và có thể sẽ đóng băng hợp tác quân sự với Burkina Faso, nếu coi những diễn biến vừa qua là một cuộc đảo chính.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi kêu gọi thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao cho một chính phủ dân sự theo tinh thần của hiến pháp, cũng như đẩy nhanh quá trình tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống công bằng và tự do. Tình hình hiện rất dễ thay đổi bởi vì khoảng trống chính trị mà ông Compaore để lại. Vào thời điểm này, chúng tôi đang thu thập các thực tế để quyết định liệu những diễn biến vừa qua có hợp pháp hay không?”
Mỹ hiện cung cấp khoảng 14,8 triệu USD viện trợ cho Burkina Faso trong năm tài chính 2014, bao gồm thực phẩm và các chương trình y tế. Theo luật, nếu Mỹ coi những diễn biến của một quốc gia là đảo chính quân sự thì nước đó sẽ không được nhận viện trợ đầy đủ của Mỹ.
Giao thông đã trở lại bình thường trên các đường phố ở Thủ đô Ouagadougou sau các cuộc biểu tình lớn cuối tuần qua. Các ngân hàng và khu thương mại lớn của đất nước mở cửa trở lại sau 6 ngày đóng cửa. Quân đội cũng đã mở cửa trở lại đường biên giới, cho phép nối lại các hoạt động kinh tế, tự do đi lại của người dân và hàng hóa ở khu vực biên giới./.