Chưa đầy 12 tiếng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua tuyên bố chủ tịch lên án các hành động bạo lực nhắm vào dân thường ở Myanmar, hôm qua (11/3), các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại đất nước Đông Nam Á khiến ít nhất 12 người thiệt mạng.
Những diễn biến này cho thấy, cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar chưa thể sớm chấm dứt bất chấp việc hội đồng quân sự cầm quyền của nước này tuyên bố sẽ chỉ điều hành đất nước trong khoảng 1 thời gian nhất định, sau đó sẽ tổ chức tổng tuyển cử và chuyển giao quyền lực cho đảng nào giành chiến thắng.
Truyền thông địa phương, ít nhất 8 người đã thiệt mạng ở thị trấn Myaing, miền Trung nước này, trong khi 4 người thiệt mạng ở thành phố Yangon và các thành phố khác. Hiện biểu tình đang diễn ra tại nhiều thành phố, thị trấn của Myanmar. Nhiều người dân đã bất chấp lệnh giới nghiêm, tổ chức các buổi thắp nến ở nhiều khu vực của Yangon và Myaing. Các nhà hoạt động Myanmar tuyên bố sẽ tổ chức nhiều cuộc biểu tình và đình công hơn vào hôm nay.
Những diễn biến này diễn ra chỉ 12 tiếng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp và thông qua Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an về tình hình ở Myanmar, bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây sau khi quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 1/2 cũng như bắt giữ các thành viên chính phủ và kêu gọi thả ngay những người này.
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng Hội đồng Bảo an lên tiếng về tình hình Myanmar. Và đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của Hội đồng Bảo an, kể từ khi biến động chính trị xảy ra tại Myanmar.
Ngay sau tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân đã ra một tuyên bố riêng, nhấn mạnh đã tới lúc "đối thoại và ngoại giao" đồng thời kêu gọi "xuống thang căng thẳng" ở Myanmar.
"Trung Quốc đang liên hệ với các bên liên quan tại Myanmar để tạo điều kiện thúc đẩy tình hình trở lại trạng thái bình thường tại nước này trong thời gian sớm nhất. Những gì đã xảy ra ở Myanmar, về bản chất, là công việc nội bộ của nước này. Cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của Myanmar, giúp các bên liên quan ở nước này tiến hành đối thoại và hòa giải phù hợp với mong muốn và lợi ích của người dân và tránh làm gia tăng căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình”, ông Trương Quân nói.
Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết, nước này đã đề xuất quân đội Myanmar tiến hành đối thoại với Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi. Ông Don Pramudwinai cho biết đây được xem là một giải pháp nhằm khôi phục sự ổn định tại Myanmar sau những biến động chính trị tại nước này từ hôm 1/2.
Cũng trong ngày hôm qua, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, cho biết hội đồng quân sự cầm quyền của nước này sẽ chỉ điều hành đất nước trong khoảng 1 thời gian nhất định trước khi tổ chức bầu cử.
"Có những mục tiêu mà chúng tôi sẽ thực hiện. Đó là chúng tôi sẽ điều tra việc gian lận trong bầu cử. Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc bầu cử và giao quyền cho bên nào chiến thắng. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế về hòa bình của đất nước nhưng chúng tôi sẽ kiên định với những mục tiêu mà chúng tôi đã lên kế hoạch”.
Tuy vậy, những diễn biến tại quốc gia này cho thấy, việc ổn định sẽ chưa thể sớm chấm dứt. Trước đó, hơn 60 người biểu tình đã thiệt mạng và 2.000 người bị bắt giữ kể từ sau biến động chính trị tại Myanmar./.