Sau 3 ngày giải cứu, lực lượng đặc nhiệm Kenya đã giải cứu toàn bộ con tin tại Trung tâm thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi. Các tên khủng bố cũng đã bị tiêu diệt và bắt giữ.

Vụ tấn công làm hàng chục người thiệt mạng, trong đó có nhiều công dân nước ngoài. Cách thức thực hiện vụ tấn công này của nhóm vũ trang al-Shabaab mang đậm dấu ấn của tổ chức khủng bố al-Qaeda, gồm khủng bố, bắt cóc con tin, tấn công dân thường và lợi ích nước ngoài.

al-Shabaab đang làm hồi sinh những vụ khủng bố kinh hoàng của al-Qeada (Ảnh AFP)

Điều này cho thấy, lực lượng al-Qaeda đang tăng lên về qui mô và sức mạnh, đặc biệt những chân rết của tổ chức này đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động và có kế hoạch chuyên nghiệp hơn.

Al-Shabaab từng thực hiện các cuộc tấn công với quy mô nhỏ bằng lựu đạn và súng trường trên đường phố ở Nairobi, nhưng chưa giờ bao giờ có một cuộc tấn công tổ chức kỹ càng như trong vụ tấn công khủng bố ở Westgate.

Đại sứ Somali tại Anh Abdilaahi Mohamed Ali cho biết, al-Shabaab  có cả một chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm sự phối hợp của các tay súng nước ngoài.

Ông cũng cho rằng, vụ tấn công này là tiếng chuông cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố tại châu Phi: “ Vụ tấn công này không giới hạn tại Nairobi. Kế hoạch tấn công mang tầm qui mô khu vực và quốc tế. Rất sai lầm khi nói rằng al-Shabaab là một nhóm vũ trang tại khu vực Somali.

Chúng có một chương trình nghị sự quốc tế. Vụ tấn công là lời kêu gọi không chỉ các nước trong khu vực mà quốc tế cần phải cùng nhau gia tăng sức ép và xóa bỏ lực lượng này”.

Cuộc tấn công ở Westgate cũng cho thấy, tổ chức Al-Shabaab bắt đầu tạo nên tầm ảnh hưởng trong khu vực cũng như quốc tế.

Nhóm vũ trang này có hàng nghìn tay súng Somali và nhiều người ủng hộ tại nước ngoài, trong đó có cả các nước phương Tây như Anh, Mỹ. Nhóm vũ trang này đang tiếp tục mở rộng hoạt động chiêu mộ thêm binh lính tại nhiều nước khác trên thế giới.

Chính quyền Mỹ hiện cũng rất quan tâm đến việc tấn công trực tiếp và kiểm soát nhóm vũ trang này, đặc biệt sau khi lực lượng này hợp tác với Al-Qaeda vào đầu năm 2012.

Tuy nhiên, hoạt động của Mỹ nhằm vào nhóm vũ trang này vẫn rất giới hạn, mà chủ yếu dựa vào lực lượng gìn giữ hòa bình Somali và châu Phi.

Chính quyền của Tổng thống Obama lo ngại rằng, việc nhằm trực tiếp vào nhóm vũ trang này sẽ khiến chúng mở rộng danh sách mục tiêu, tấn công vào các cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài, cũng như kêu gọi các thành viên cộng đồng người Do thái Somali tại Mỹ  thực hiện các cuộc tấn công.

Cách đây 2 năm, cả thế giới dường như thở phào nhẹ nhõm khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden.

Các quan chức Mỹ gần đây cũng nhận định rằng, al-Qaeda đang trong quá trình suy yếu do các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào căn cứ của nhóm này tại Pakistan.

Tuy nhiên, hàng loạt các vụ tấn công khủng bố gần đây, đặc biệt là vụ bắt giữ con tin tại Kenya vừa qua cho thấy nhóm vũ trang khủng bố này luôn tiềm ẩn những nguy cơ, đặc biệt các chân rết của chúng đang ngày càng mở rộng hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn./.