Cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine dự kiến vào ngày 25/5 tới đang tới gần. Tuy nhiên, trong bối cảnh bạo lực leo thang hiện nay tại khu vực miền Đông và việc nước này vẫn chưa hoàn thành cải cách Hiến pháp đã làm gia tăng hoài nghi về hiệu quả, cũng như khả năng bầu cử diễn ra theo đúng kế hoạch. 

xetang.jpg
Nhiều cửa ngõ vào Slavyansk - điểm nóng ở miền Đông đang bị quân đội Ukraine kiểm soát  (Ảnh: Reuters)

Người phát ngôn Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Rupert Colville hôm qua (6/5) đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực leo thang tại Ukraine, đồng thời cảnh báo, cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào ngày 25/5 tới đang bị đe dọa.

Ông Colville nói: “Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền kêu gọi các lực lượng an ninh Ukraine đảm bảo  tôn trọng các quy định quốc tế khi tiến hành các chiến dịch quân sự, nhằm đảm bảo không có dân thường thiệt mại trong đụng độ với các nhóm vũ trang. Vẫn còn thời gian và các bên cần nỗ lực để cuộc bầu cử diễn ra theo đúng kế hoạch bởi đây là con đường duy nhất để tất cả người dân Ukraine có thể nói lên mong muốn nguyện vọng của mình, cũng như để chấm dứt tình hình bất ổn hiện nay và  khôi phục sự ổn định của đất nước”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, sẽ là "bất thường" để tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine trong lúc Chính phủ nước này đang triển khai quân đội chống lại người dân của mình.

Ông Lavrov nói: “Tổ chức bầu cử vào thời điểm hiện nay khi chính phủ nước này đang triển khai quân đội chống lại người dân của mình là một điều không bình thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và sẽ xem cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 25/5 tới sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh hiện nay. Chính quyền Ukraine đã tuyên bố cuộc bầu cử sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, trong khi cải cách Hiến pháp vẫn chưa hoàn thành và chắc chắn sẽ không thể hoàn thành trước ngày 25/5”. 

Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng việc tổ chức vòng đàm phán quốc tế mới tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm làm dịu căng thẳng ở Ukraine sẽ chỉ là "vòng luẩn quẩn," đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán này sẽ chỉ có thể đạt tiến triển nếu có sự tham dự của đại diện các khu vực nói tiếng Nga ở Ukraine.

Thỏa thuận Geneva đạt được hôm 17/4 vừa qua được xem là giải pháp giúp hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine, tuy nhiên, tới nay thỏa thuận vẫn chưa được thực thi. Chính quyền lâm thời Ukraine vẫn tiếp tục các chiến dịch trấn áp người biểu tình, trong khi những người biểu tình không chịu rời các tòa nhà công quyền mà họ đang chiếm giữ.

Tuần trước, đã có hàng chục người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội. Theo người đứng đầu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine chỉ có thể diễn ra suôn sẻ và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân một khi các bên đạt được một lệnh ngừng bắn, nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang./.