Ít nhất 6 người thiệt mạng và 190 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ ngày 30/8 khi những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi xuống đường tuần hành tại thủ đô Cairo và một số thành phố khác của Ai Cập. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất kể từ khi xảy ra cuộc biểu tình cách đây hai tuần khiến gần 1.000 người thiệt mạng.

dung-do-cairo.jpg
Ít nhất 6 người thiệt mạng, gần 200 người bị thương trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ủng hộ ông Morsi hôm 30/8 (Ảnh: Press TV)

Cuộc biểu dương lực lượng này được tổ chức theo lời kêu gọi của Liên minh quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do Tổ chức Anh em Hồi giáo dẫn đầu và quy tụ 33 chính đảng và phong trào Hồi giáo nhằm gây áp lực đòi phục chức cho ông Morsi.

Hưởng ứng lời kêu gọi, tại thủ đô Cairo, khoảng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi tiến hành biểu tình rải rác tại nhiều địa điểm, trong đó có khu vực dinh Tổng thống, không tập trung đông tại các khu vực quảng trường như trước đây. Đã có đụng độ nhỏ giữa cảnh sát và đám đông khi những  người biểu tình ném gạch đá, chai lọ về phía cảnh sát. Cảnh sát đã phải sử dụng lựu đạn cay khi đám đông phá vỡ hàng rào bảo vệ tiến về Quảng trường Mostafa Mahmoud, một địa điểm tập trung của người biểu tình.         

Các cuộc biểu tình khác cũng diễn ra tại thành phố Alexandria, Giza, Port Said... với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Những người ủng hộ ông Morsi phản đối cái họ gọi là "cuộc đảo chính quân sự bất hợp pháp". Một người biểu tình tại Giza nói: “Lần đầu tiên chúng tôi được thể hiện mong muốn của mình khi được đi bỏ phiếu. Ông Morsi đã bắt đầu đưa đất nước đi trên con đường của dân chủ giống như các nước tiên tiến trên thế giới. Nhưng bây giờ tất cả đã bị mất đi, chúng tôi phản đối điều này”.

Trước đó, ngày 29/8, cảnh sát Ai Cập đã bắt giữ Mohamed al-Beltagi, một thành viên cấp cao của tổ chức Anh em Hồi giáo. Ông này bị cơ quan công tố truy nã với các cáo buộc kích động bạo lực, tấn công sĩ quan cảnh sát và sát hại người biểu tình hòa bình. Ông Beltagi và hai thủ lĩnh hàng đầu khác của tổ chức Anh em Hồi giáo vừa bị bắt đều được đưa tới nhà tù Tora ở ngoại ô Thủ đô Cairo chờ xét xử. Đến nay, khoảng 30 thành viên cấp cao của tổ chức Anh em Hồi giáo đã bị bắt giữ.

Như vậy, cuộc biểu tình ngày 30/8 được xem là một phép thử quan trọng đối với khả năng của phe Hồi giáo, trong bối cảnh hàng loạt thủ lĩnh cấp cao bị bắt giam hoặc đang bị truy nã. Một số nhà phân tích cho rằng phe Hồi giáo có thể sẽ tìm cách gây hỗn loạn nhằm buộc chính quyền lâm thời phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán đang được xúc tiến.

Ông  Beshir Abd el-Fattah, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược Al-Ahram của Ai Cập nhận định: “Tôi nghĩ rằng, nếu cuộc đối đầu giữa Tổ chức Anh em Hồi giáo và chính phủ kết thúc, cũng như Tổ chức Anh em Hồi giáo chấp nhận những gì đã xảy ra vào ngày 3/7, thì  có thể xuất hiện một mối quan hệ mới giữa Tổ chức này và các lực lượng chính trị khác thông qua bầu cử. Chúng ta nên có một Hiến pháp mới, Quốc hội mới và Tổ chức Anh em Hồi giáo có thể là một phần của tiến trình chính trị tại Ai Cập”.

Tuy vậy, với việc các cuộc biểu tình tiếp diễn, các nhà quan sát cho rằng, sự chia rẽ, đối đầu giữa các phe phái chính trị sẽ khó được giải quyết trong thời gian ngắn và chính phủ lâm thời Ai Cập cũng khó có thể tìm ra một giải pháp toàn diện.

Ông Ihab Houssien, Tổng biên tập hãng thông tấn Trung Đông (Middle East News Agency) nhận xét: “Chính phủ lâm thời đang tìm kiếm những biện pháp để cải cách nền kinh tế và xã hội Ai Cập. Nhưng tôi cho rằng, họ sẽ không thu được thành quả trước khi kết thúc cuộc đối đầu với tổ chức Anh em Hồi giáo, bởi vì bạo lực đang làm cản trở những nỗ lực cải cách. Chắc chắn chính phủ lâm thời Ai Cập mong muốn loại bỏ các nhóm khủng bố và cải thiện tình hình kinh tế, xã hội. Tuy nhiên những trách nhiệm này không hề dễ dàng”.

Thống kê cho thấy, tới nay, đã có hơn 950 người, trong đó có 100 binh sĩ và cảnh sát Ai Cập đã thiệt mạng, kể từ khi các lực lượng an ninh Ai Cập mở chiến dịch trấn áp những người biểu tình ngồi ủng hộ ông Morsi hôm 14/8 vừa qua. Tình hình tại Ai Cập được nhận định phụ thuộc rất lớn vào sự nhượng bộ của các bên./.