Phát biểu ngày 12/4, Tổng thống Brazil Rousseff cho biết, một đoạn băng ghi âm do Phó Tổng thống Temer tiết lộ ngày 11/4 chính là bằng chứng của âm mưu lật đổ bà. Bà Rousseff lên án hành động đăng tải đoạn băng nói trên là sự “phản bội” nền dân chủ, phản bội người dân, đồng thời cảnh báo âm mưu đảo chính.

rousseff_dilma_skmg.jpg
Tổng thống Brazil Rousseff. Ảnh Reuters

Đây cũng là lần đầu tiên bà Rousseff trực tiếp lên tiếng về hành động chống lại bà:"Họ đang công khai âm mưu lật đổ một Tổng thống được bầu hợp pháp. Mặt nạ của những người chủ mưu đã được gỡ ra. Chúng ta đang sống trong thời điểm có nhiều lo ngại, thời điểm của một cuộc đảo chính, sự giả tạo và phản bội".

Trước đó, ngày 11/4, trong khi Ủy ban đặc biệt Hạ viện chuẩn bị tiến hành bỏ phiếu, một đoạn băng ghi âm dài 15 phút của Phó Tổng thống Temer đã được “gửi nhầm” tới tất cả các nghị sĩ thuộc Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), chính đảng lớn nhất nước này, với nội dung coi như bà Rousseff sẽ bị phế truất.

Ông Temer tuyên bố sẽ thành lập Chính phủ mới cũng như thông báo các chính sách mà ông này sẽ đưa ra trong tương lai nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng hiện nay của đất nước.

Ngay sau đó, Văn phòng cố vấn truyền thông của ông Temer cho biết, đây là một “tai nạn”. Theo Hiến pháp, nếu bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ là người thay thế bà này cầm quyền tới hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018.

Từ năm 2011, ông Temer đã làm Phó Tổng thống cùng bà Rousseff từ nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai bắt đầu từ năm 2015 của bà Rousseff, giữa ông Temer và Tổng thống bắt đầu có rạn nứt, đặc biệt là từ cuối năm ngoái.

Ngày 29/3 vừa qua, Đảng Phong trào Dân chủ Brazil  của ông Temer, đã đưa ra quyết định rời bỏ nội các. Mới nhất, hôm qua, Đảng Tiến bộ (PP)với số ghế ở Hạ viện nhiều thứ tư, cũng tuyên bố từ bỏ liên minh với Chính phủ và sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc phế truất bà Rousseff vào ngày 17/4 tới. Đảng Tiến bộ là Đảng thứ 4 rời bỏ liên minh với Chính phủ.

Hiện bà Rousseff đang đối mặt với nguy cơ bị phế truất khi phe đối lập trong nhiều tháng qua liên tục gây áp lực đòi đưa bà ra xét xử tại một phiên tòa chính trị nhằm bãi nhiệm bà trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2018.

Theo dự kiến, ngày 15/4, Hạ viện Brazil sẽ bắt đầu họp phiên toàn thể để xem xét việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà Rousseff vào ngày 17/4. Nếu Hạ viện thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ, vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện.

Nếu 41/81 nghị sỹ tại Thượng viện thông qua, bà Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày. Theo Hiến pháp, trong trường hợp này, Phó Tổng thống Temer sẽ thay bà Rousseff làm Tổng thống tạm quyền tới hết nhiệm kỳ vào ngày 31/12/2018.

Trước tình hình chính trị ở Brazil trong bối cảnh những thủ tục đưa Tổng thống Brazil Rousseff ra luận tội vẫn được tiến hành bất chấp việc không có bằng chứng cụ thể về việc nhà lãnh đạo này phạm tội, Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper đã bày tỏ quan ngại. Trong một thông cáo, ông Samper bày tỏ chỉ có thể đưa Tổng thống ra xét xử nếu bà này vi phạm pháp luật và đánh giá việc làm này rất nguy hiểm.

Cùng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố, Mỹ tin tưởng Brazil sẽ vượt qua được những thách thức chính trị và kinh tế hiện nay: “Mối quan tâm của chúng tôi là muốn nhìn thấy nền kinh  tế của Brazil phát triển mạnh mẽ và tiếp tục là một đối tác thương mại quan trọng với Mỹ. Mỹ và Tổng thống Barack Obama tin tưởng rằng nền dân chủ Brazil sẽ vượt qua được những thách thức hiện nay”.

Khủng hoảng chính trị ở Brazil liên tục leo thang trong thời gian qua với các cáo buộc Tổng thống Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva có liên quan tới vụ tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras./.