Tình hình tại Ai Cập chưa có dấu hiệu lắng dịu khi các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và lực lượng an ninh tiếp tục diễn ra , cướp đi sinh mạng của gần 700 người trong mấy ngày qua. Những diễn biến vừa qua tại Ai Cập cũng đang gây chia rẽ sâu sắc giữa các nước trong khu vực.

quan-doi-ai-cap.jpg
Quân đội Ai Cập điều xe bọc thép bảo vệ lối vào Quảng trường Tahrir, Cairo ngày 16/8 (Ảnh: Press TV)

Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Ai Cập và người biểu tình mấy ngày qua với con số thiệt mạng lên đến hàng trăm người đã gây chấn động khắp Trung Đông, đồng thời hình thành nên các thái cực khác nhau giữa các nước trong khu vựcThổ Nhĩ Kỳ, Iran và Qatar ra tuyên bố lên án việc quân đội Ai Cập sử dụng vũ lực đối với người biểu tình. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi những diễn biến vừa qua là một “vụ thảm sát nghiêm trọng nhằm vào người dân Ai Cập muốn biểu tình hòa bình”. Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy hai cuộc diễn tập hải quân với Ai Cập. Thủ tướng Erdogan cũng chỉ trích các nước phương Tây không lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực tại Ai Cập.

Thủ tướng Erdogan kêu gọi “các nước phương Tây hãy lên tiếng. Các bạn đã im lặng về vấn đề Palestine, Gaza, Syria. Các bạn vẫn im lặng về Ai Cập. Vậy thì làm sao các bạn có thể nói về dân chủ, tự do, nhân quyền?”.

Tổng thống Iran Hassan Rohani cũng kêu gọi quân đội Ai Cập nên nhượng bộ, trong khi một quan chức của Bộ Ngoại giao Qatar cho rằng, cách an toàn và hiệu quả nhất hiện nay để giải quyết cuộc khủng hoảng là giải pháp hòa bình dựa trên đối thoại giữa các đảng phái.

Tuy nhiên, các nước như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia và Kuwait đều ra tuyên bố ủng hộ chính phủ lâm thời Ai Cập. Trong một tuyên bố đầu tiên kể từ khi bất ổn xảy ra tại Ai Cập, vua Saudi Arabia Abdullah ngày 16/8 kêu gọi các nước Arab hãy đoàn kết chống lại “những nỗ lực làm mất ổn định” tại Ai Cập. Các nước  này cho rằng,  những gì lực lượng an ninh Ai Cập thực hiện có thể là biện pháp cần thiết đối phó với những âm mưu gây bất ổn tại Ai Cập. Ba nước này cũng đã cam kết hỗ trợ 12 tỷ USD cho chính phủ Ai Cập thời kỳ hậu Morsi.

Trước nguy cơ bất ổn tại Ai Cập lan rộng, làm phức tạp thêm tình hình chính trị khu vực, cộng đồng quốc tế cũng có những phản ứng và đưa ra các kế hoạch cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này. Lãnh đạo các nước Đức, Pháp, Anh và Italy ngày 16/8 hối thúc Liên minh châu Âu gửi đi một thông điệp thống nhất lên án tình trạng bạo lực tại Ai Cập. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố,  Đức và châu Âu sẽ xem xét lại bản chất quan hệ giữa khối này với Ai Cập căn cứ vào những diễn biến mới nhất tại quốc gia Bắc Phi này. Một cuộc họp giữa đại diện cấp cao các nước thành viên EU bàn về tình hình Ai Cập cũng được dự kiến tiến hành vào ngày 19/8 tới.

Cùng ngày, Hà Lan thông báo dừng hợp tác với chính phủ Ai Cập nhằm phản ứng lại các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình mấy ngày qua.

Mauritius đã triệu hồi đại sứ tại Ai Cập do lo ngại tình trạng bạo lực leo thang ở quốc gia này. Trong một tuyên bố ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Mauritius cho biết đã đóng cửa tạm thời đại sứ quán nước này tại Ai Cập và đưa các nhân viên của mình về nước vì lý do an ninh. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm sự an toàn cho người dân Mauritius tại Ai Cập.

Ngoại trưởng Mauritius Arvin Boolell đã cực lực lên án các vụ xung đột đẫm máu tại Ai Cập, đồng thời cho biết sẽ đánh giá tình hình trong những ngày tới để quyết định có nên mở cửa trở lại Đại sứ quán hay không.

Hàng loạt các cuộc biểu tình, diễu hành cũng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Jordan để ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập. Dự kiến Phó Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc Jeffrey Feltman sẽ đến Ai Cập tuần tới để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này./.