Bất chấp những tổn thất nặng nề về người sau loạt cuộc đụng độ đẫm máu tại nhiều địa phương của Ai Cập trong ngày 14/8, hôm qua (15/8), Tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức xuất thân của Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi, tiếp tục tiến hành nhiều hành động phản kháng quyết liệt, bao gồm cả biểu tình, tuần hành và tấn công các mục tiêu công cộng.
Tại thủ đô Cairo, chiều qua, những người ủng hộ ông Morsi đã tấn công và đốt cháy một toà nhà chính quyền ở tỉnh Giza, phía tây Cairo. Lực lượng cứu hỏa Ai Cập đã phải mất nhiều giờ mới có thể tiếp cận và không chế đám cháy, do vấp phải sự cản trở của các thành viên Anh em Hồi giáo. Cùng ngày, một nhóm các thành viên Anh em Hồi giáo cũng đã tấn công, ném chai xăng gây cháy lớn tại một tòa nhà của Bộ Tài chính ở trung tâm Cairo. Đám cháy sau đó đã được khống chế và không gây thiệt hại về người.
Những người ủng hộ ông Morsi (ảnhL huffingtonpost) |
Còn tại Alexandria, thành phố cảng lớn nhất ở miền bắc Ai Cập, hàng trăm thành viên Anh em Hồi giáo đã tiến hành biểu tình và phong tỏa tuyến đường huyết mạch của thành phố ven bờ Địa Trung Hải, khiến giao thông tại đây bị tê liệt trong nhiều giờ. Theo các nguồn tin Ai Cập và khu vực, các cuộc tuần hành, rước xác những người thiệt mạng trong các biến cố ngày 14/8, cũng được các thành viên Anh em Hồi giáo tiến hành tại nhiều địa phương của Ai Cập trong ngày hôm qua, cản trở hoạt động giao thông và gây náo loạn tại nhiều khu vực. Cũng theo các nguồn tin này, Tổ chức Anh em Hồi giáo còn tổ chức nhiều cuộc tuần hành và biểu tình tại nhiều địa phương ngay trong đêm 14/8, bất chấp lệnh giới nghiêm đã được ban bố.
Trong nhiều tuyên bố khác nhau hôm qua, một số lãnh đạo Tổ chức Anh em Hồi giáo khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chiến dịch biểu tình hòa bình cho tới khi đạt được mục đích đề ra là lật đổ “chế độ đảo chính”. Theo các tuyên bố này, Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ tiến hành các cuộc biểu tình lớn trong ngày hôm nay, thứ sáu 16/8, để lên án hành động thảm sát người biểu tình của lực lượng an ninh Ai Cập.
Đáp lại các hành động của Tổ chức Anh em Hồi giáo, Phong trào Nổi loạn, một trong các lực lượng đi đầu trong chiến dịch biểu tình lật đổ ông Morsi, đã phát động biểu tình quần chúng trên toàn lãnh thổ trong ngày hôm nay để bày tỏ sự ủng hộ quân đội, cảnh sát và phản đối các hành động bạo lực của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Nhiều lực lượng chính trị Ai Cập đã tuyên bố sẽ hưởng ứng lời kêu gọi này.
Về phần mình, Bộ Nội vụ Ai Cập hôm qua đã tiến hành các nghi thức tang lễ trang trọng cho các sỹ quan và cảnh sát thiệt mạng trong chiến dịch giải tán người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi ở quảng trường Rebaa Eladawiya và quảng trường Phục Hưng ở thủ đô Cairo một ngày trước đó. Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim cùng nhiều quan chức an ninh và hàng ngàn người dân đã tham gia sự kiện. Cùng ngày Bộ Nội vụ Ai Cập ra thông báo nêu rõ, các lực lượng an ninh sẽ sử dụng súng bắn đạn thật để trấn áp các hành động đe dọa an ninh quốc gia. Trong các sự kiện vừa qua, Tổ chức Anh em Hồi giáo cáo buộc lực lượng an ninh sử dụng đạn thật để tấn công người biểu tình. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Ai Cập đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cáo buộc người biểu tình đã tấn công lực lượng an ninh trước bằng các vũ khí tự chế, bom xăng, pháo hoa và gạch đá.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Y tế Ai Cập công bố báo cáo mới nhất liên quan đến số thương vong trong các biến cố xảy ra ngày 14/8. Theo đó, các sự kiện ngày 14/8 đã khiến 638 người thiệt mạng và hơn 3.700 người bị thương. Đây được coi là số thương vong lớn nhất xảy ra trong một ngày đơn lẻ trong lịch sử Ai Cập nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, Tổ chức Anh em Hồi giáo nói rằng, số người chết và bị thương thực tế lớn hơn nhiều lần số liệu do Bộ Y tế công bố, với khoảng 2.600 người chết và hơn 10.000 người khác bị thương.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, một tòa án phúc thẩm ở Cairo đã ra lệnh kéo dài thời hạn tạm giam thêm 30 ngày đối với Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi để điều tra về cáo buộc đột nhập nhà tù trong sự kiện Phong trào mùa xuân Arab lật đổ chế độ Mubarak năm 2011. Trước đó ít ngày, cơ quan Công tố Ai Cập cũng đã ra lệnh kéo dài thời hạn tạm giam thêm 15 đối với ông Morsi để điều tra cáo buộc làm gián điệp với Phong trào Hamas của Palestine. Cùng ngày, Tòa án cũng ra lệnh kéo dài thời hạn tạm giam thêm 15 ngày để phục vụ công tác điều tra về một số cáo buộc đối với ông Katatni, Chủ tịch đảng Tự do và Công lí, cựu Chủ tịch Quốc hội Ai Cập.
Trên bình diện chính trị, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour hôm qua đã chấp nhận đơn từ chức của Phó Tổng thống Mohamed El Baradei trình lên một ngày trước đó. Ông Baradei, Chủ tịch đảng Hiến pháp và từng nhận giải Nobel hòa bình, là quan chức cao cấp đầu tiên trong Chính quyền chuyển giao Ai Cập từ chức vì những biến cố đẫm máu vừa qua tại Ai Cập.
Trong lúc này, cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ những quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực đẫm máu tại Ai Cập. Thể theo yêu cầu của các nước Pháp, Anh và Australia, đêm 15/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức phiên thảo luận đặc biệt về tình hình Ai Cập. Về phần mình, Chính quyền Mỹ tuyên bố hủy bỏ cuộc tập trận hàng năm dự kiến với Ai Cập, một trong những nước tại khu vực đang hưởng viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ./.