Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, bạo lực đẫm máu đã tái phát tại nhiều địa phương của Ai Cập trong ngày 16/8 - ngày mà cả hai phía ủng hộ và phản đối Chính quyền mới, đồng loạt tiến hành các cuộc biểu tình lớn để đấu tranh cho mục đích của mình.

Tại thủ đô Cairo, động độ dữ dội đã nổ ra và kéo dài nhiều giờ ở quảng trường Ramses, gần trụ sở Bộ Quốc phòng, giữa một bên là những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi và một bên là quân đội, cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ Chính quyền mới.

bieu-tinh-ai-cap.jpg
Người biểu tình dùng gạch đá và súng cao su tấn công cảnh sát (Ảnh: AFP)

Theo nhiều nguồn tin chưa được xác thực, ít nhất hơn 100 người đã bị chết và hàng trăm người bị thương trong cuộc đụng độ này, trong đó hầu hết là những người ủng hộ ông Morsi. Truyền thông Ai Cập khẳng định, những người biểu tình đã sử dụng vũ khí tự tạo, chai xăng, pháo hoa và gạch đá để tấn công các lực lượng an ninh được triển khai tới khu vực để duy trì trật tự. Trong khi đó, một số nguồn tin Arab và nước ngoài nói rằng, lính vũ trang Ai Cập đã sử dụng súng bắn đạn thật và lựu đạn hơi cay để trấp áp người biểu tình.

Cho đến đêm qua, bất chấp lệnh giới nghiêm do Chính phủ ban bố đang có hiệu lực, hàng trăm người ủng hộ ông Morsi vẫn tập trung tại quảng trường Ramses để biểu tình, buộc quân đội và cảnh sát phải triển khai tăng cường hàng chục xe bọc thép và lính vũ trang tới để thiết lập trật tự. Theo thông báo của Bộ Nội vụ Ai Cập tối qua, 263 người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ. Trong đó, nhiều người mang theo vũ khí và một số người mang quốc tịch nước ngoài như Syria và Pakistan. 

Ngoài quảng trường Ramses, đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ ông Morsi và cảnh sát cũng đã nổ ra tại nhiều khu vực khác nhau ở Cairo, đặc biệt là tại một số cây cầu huyết mạch nối giữa tỉnh Cairo và tỉnh Giza của Cairo, khiến nhiều người chết và bị thương. Tuy nhiên, con số thống kê thương vong cuối cùng chưa được công bố và xác nhận.

Cùng ngày, các cuộc đụng độ ác liệt giữa hàng ngàn người biểu tình phản đối Chính quyền mới và lực lượng an ninh cũng đã nổ ra tại thành phố Alexandria, thành phố Suez, thành phố Port Said, thành phố Aswan, thành phố Hurghada và nhiều địa phương khác của Ai Cập. Thống kê cuối cùng về số thương vong chưa được công bố song nhiều nguồn tin khẳng định, có nhiều người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trên toàn lãnh thổ hôm qua.

Bất chấp việc có nhiều người biểu tình thiệt mạng trong những ngày qua, Tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức xuất thân chính trị của Tổng thống bị truất quyền Morsi, vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục phát động các cuộc biểu tình để lật đổ "chế độ đảo chính". Các lãnh đạo Anh em Hồi giáo khẳng định, hàng triệu người Ai Cập trên toàn lãnh thổ sẽ xuống đường trong cả tuần tới để biểu tình phản đối tội ác của các lực lượng an ninh.Động thái của Tổ chức Anh em Hồi giáo được giới truyền thông Ai Cập mô tả như một sự thách thức đối với các nỗ lực chống khủng bố của chính quyền. Trong khi đó, báo giới khu vực thì nhận định đầy lo ngại rằng, bạo lực đẫm máu chắc chắn sẽ tái phát khi biểu tình tiếp diễn.    

Trước thực trạng đụng độ đẫm máu liên tiếp và nguy cơ bạo lực nghiêm trọng nhiều khả năng sẽ tiếp tục bùng phát tại Ai Cập, một số chính khách và nhà phân tích cho rằng, quốc gia Bắc Phi dường như đang bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực tiền nội chiến. Tuy nhiên, lập luận này đã lập tức bị nhiều nhà phân tích trong và ngoài Ai Cập bác bỏ. Đa số giới phân tích nhận định, tình hình Ai Cập đang diễn biến phức tạp nhưng không vượt ngoài tầm kiểm soát của các lực lượng an ninh. Ai Cập sẽ còn phải nỗ lực nhiều mới có thể ổn định được tình hình. Tuy nhiên, khả năng xảy ra nội chiến tại quốc gia Bắc Phi là không thể. Đại diện cho luồng quan điểm này, nhà phân tích Nabil Mikhail, giảng viên Khoa học Chính trị trường Đại học George Wasinhton, Mỹ khẳng định:
"Đang có một sự nhìn nhận rất sai lệch ở Mỹ và phương Tây về tình trạng bạo lực ở Ai Cập khi cho rằng bạo lực sẽ lan rộng. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Đúng là đang xảy ra bạo lực tại Ai Cập, song tình trạng này không diễn ra một cách tràn lan hay thường xuyên, mà chỉ rất hãn hữu, chẳng hạn như mỗi tuần sẽ có một vài vụ xả súng nhằm vào đồn cảnh sát hay đụng độ tại các khu vực xảy ra biểu tình. Tất cả sẽ chỉ có vậy. Ai Cập là một quốc gia hùng mạnh và quân đội nước này chắc chắn sẽ kiểm soát được tình hình"./.