Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa làm bất ổn định một đồng minh quan trọng của phương Tây ở một khu vực nhạy cảm vốn liên tục bất ổn vì chiến tranh, khủng bố và làn sóng di cư.Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa một cây cầu ở Istanbul. Ảnh: Getty.
Việc một bộ phận quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng nắm chính quyền vào hôm 15/7 đã gây ra hoảng loạn trên các con phố ở Istanbul và Ankara và tạo ra sự lo ngại lớn trong khối NATO và Trung Đông, theo các nhà phân tích chuyên về khu vực này.
Khi kênh truyền hình nhà nước TRT mất sóng, Tổng thống Thổ Erdogan đã sử dụng máy điện thoại iPhone của mình để phát đi lời kêu gọi người dân Thổ hãy chống lại cuộc đảo chính.
Biến cố này đã khiến nhiều người trong giới nghiên cứu chính sách đối ngoại bất ngờ vì họ cho rằng chính quyền dân cử của Thổ là tương đối ổn định.
Giáo sư Omer Taspinar, tại viện Brookings, từng cảnh báo về nguy cơ đảo chính trong vài tháng gần đây. Ông cho biết một câu hỏi lớn hiện nay là mức độ bộ chỉ huy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào âm mưu đảo chính này.
Ông cho hay nguy cơ đáng sợ nhất là sẽ nổ ra một cuộc chiến giữa các phái quân sự, dân sự và tình báo liên kết với Tổng thống Erdogan mới được tái cử gần đây.
Giáo sư Taspinar nói: “Ngay bây giờ đây, câu hỏi được đặt ra là liệu nỗ lực đảo chính này là do tướng lĩnh chóp bu chỉ đạo hay chỉ là một cuộc đảo chính cấp tá hoặc úy thôi, do một nhóm quân nhân thực hiện. Có chỉ dấu cho thấy khả năng thứ 2. Tổng tham mưu trưởng quân đội chưa phát biểu, mà theo truyền thống các cuộc đảo chính quân sự trước đây, người đứng đầu quân đội sẽ lên truyền hình để ra lệnh”.
Quân đội đấu với cảnh sát?
Giáo sư Taspinar dự báo sự kiện này sẽ làm xáo trộn thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và làm tổn hại hình ảnh quốc gia này. Theo ông vụ đảo chính sẽ khiến cho ông Erdogan bối rối nhiều, vì trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, “mỗi lần quân đội can thiệp thì chính quyền khi đó đều rất không được lòng dân”.
Mối nguy lớn nhất theo ông Taspinar là khả năng xảy ra đụng độ đẫm máu giữa lực lượng cảnh sát thuộc Bộ Nội vụ mà Tổng thống Erdogan nắm rất chắc và bộ phận quân đội làm phản.
Nhà Trắng đã ra thông cáo nói rằng Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry “đã nhất trí rằng tất cả các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ nên kiềm chế và tránh bạo lực gây đổ máu”.
Vì sao xảy ra đảo chính quân sự nhằm lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ?
Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ 2 trong NATO sau Mỹ. Thổ là đồng minh quan trọng của NATO trong Chiến tranh Lạnh và trong cuộc chiến chống IS hiện nay.
Năm 1960 các tướng lĩnh Thổ đã lật đổ một Thủ tướng và treo cổ ông này. Bốn thập kỷ tiếp theo đã diễn ra thêm 3 cuộc đảo chính, theo hãng tin Reuters./.