Một nghiên cứu quốc tế đăng trên Tạp chí về môi trường của Mỹ Environmental Research Letters số ra sáng nay (12/12) cho biết, khí thải methane trên toàn cầu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và các nguồn khác đã tăng vọt trong những năm gần đây, đe dọa các nỗ lực làm chậm tình trạng biến đổi khí hậu.

bien_doi_khi_hau_txwb.jpg
Trái Đất đang nóng dần lên. Ảnh: davidsuzuki.

Công trình nghiên cứu của 81 nhà khoa học quốc tế cho thấy, nồng độ methane trong không khí bắt đầu tăng từ năm 2007, trong đó tăng cao trong 2 năm 2014, 2015.

Các chuyên gia cho biết, nếu thế giới muốn duy trì mức nhiệt trái đất tăng dưới 2 độ C, thì cần có biện pháp khẩn cấp để đảo ngược xu hướng tăng khí methane.

Hàm lượng khí methane trong bầu khí quyển thấp hơn so với CO2 nhưng là lọai khí nhà kính cực mạnh, đẩy nhanh hiện tượng trái đất nóng dần lên.

Trong khi những nguyên nhân khiến khí methane tăng vọt chưa được làm rõ nhưng giới khoa học tin rằng, nguồn chính gây ra khí methane là chăn nuôi gia súc, trồng lúa.

Cũng theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), hoạt động chăn nuôi gia súc trên thế giới đã tăng từ 1,3 tỷ đầu gia súc năm 1994 lên gần 1,5 tỷ năm 2014.

Diện tích canh tác lúa cũng có mức tăng tương tự tại các nước châu Á.

Giáo sư Robert Jackson đại học Stanford, Mỹ cho biết, khí methane có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả nguồn tự nhiên như các bãi đầm lầy nhưng khoảng 60% lượng khí methane là hoạt động của con người, chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp.

Methane cũng có thể sản sinh từ hoạt động khoan thăm dò các giếng dầu./.