Ông Rabie cho biết một đội cứu hộ từ công ty lớn nhất toàn cầu trong lĩnh vực cứu hộ tàu của Hà Lan (SMIT) đã đến kênh đào Suez ngày 25/3. Kịch bản mới bao gồm thực hiện các hoạt động nạo vét trong khu vực tàu mắc cạn song song với đó là các tàu cuốc nạo vét nhằm loại bỏ 15.000 đến 20.000 mét khối cát xung quanh mũi tàu. Hoạt động nạo vét đạt đến độ sâu từ 12-16 mét để cho phép tàu nổi. Kịch bàn này có tính đến tính chất của đất trong khu vực xung quanh tàu mắc cạn và khoảng cách an toàn. Ai Cập huy động 9 tàu kéo, 2 tàu cuốc và 4 máy đào tham gia chiến dịch cứu hộ.

Ông Rabie đánh giá rất lạc quan với các nỗ lực cứu hộ. Theo quan chức Ai Cập nếu kịch bản mới thành công, chính quyền Ai Cập sẽ quyết định cho giao thông hàng hải qua kênh đào Suez hoạt động trở lại hoàn toàn vào ngày 27/3 nhất là khi thủy triều dâng cao hơn. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng Ai Cập cũng đang cảnh báo về sự gián đoạn hàng hải do một cơn bão biển dự kiến ​​xảy ra vào thứ Bảy và Chủ nhật với sức gió được dự báo lên tới 80 km/h và sóng cao tới 6 mét dọc theo Biển Đỏ và Vịnh Suez.

Hiện nay, kênh đào Suez tạm thời đình chỉ giao thông cho đến khi hoàn thành cứu hộ tàu mắc kẹt. Các tàu khác đã vào kênh Suez đang chờ để có thể đi qua tăng lên khoảng 160 tàu.

Con tàu hàng của Panama, dài 400 mét, nặng khoảng 223.000 tấn khi đi qua kênh đào đã bị mắc kẹt do không có tầm nhìn vì thời tiết xấu. Theo dữ liệu của Hãng tin Bloomberg chi phí vận tải đường biển tăng gấp nhiều lần do kênh đào Suez tạm đóng cửa. Các chuyên gia cho rằng vẫn còn khó khăn để đánh giá những thiệt hại mà nền kinh tế toàn cầu sẽ phải gánh chịu do sự cố kênh đào Suez./.