Đây là một tuyến đường vận chuyển nhân tạo ngắn nối biển Địa Trung Hải và biển Đỏ, giữa châu Á và châu Âu. Kể từ khi thành lập cho đến nay, kênh đào là cửa ngõ chính cho hoạt động thương mại toàn cầu và tạo nguồn doanh thu lớn cho Ai Cập.
Từ thế kỷ 19 trước Công nguyên, một con kênh đã tồn tại giữa Biển Đỏ và một phần của sông Nile nối liền với Địa Trung Hải. Con kênh này được đào trong triều đại của Pharaoh và thuyền bè lúc đó chỉ đi lại được trong mùa mưa. Nhưng rồi kênh này đã bị bỏ rơi vào thế kỷ thứ tám sau Công nguyên.
Dự án kênh đào Suez năm 1869 - Ảnh AFP |
Năm 1789, nhà thám hiểm người Pháp Napoleon Bonaparte đã nảy ra ý tưởng đào một con kênh nối Địa Trung Hải và biển Đỏ nhưng không thành vì một sai lầm của các nhà khảo sát khi đó nghĩ rằng, mực nước của hai vùng biển quá cao và dự án sẽ làm nước tràn vào châu thổ sông Nile của Ai Cập.
Năm 1859, ông Ferdinand de Lesseps, trợ lý lãnh sự khi đó của Pháp tại thành phố Ai Cập đã triển khai ý tưởng mở con đường biển này và nó được khởi công. Kênh đào Suez đã hoàn thành vào 17/11/1869 sau 10 năm thi công bằng các công cụ thô sơ của khoảng 1,5 triệu lao động. Khi mới hoàn thành, kênh đào Suez dài 193,30km, độ sâu nhất là 24m đủ khả năng cho tàu lớn 250.000 tấn qua.
Tuyến đường này đã thay đổi vĩnh viễn lịch sử vận tải đường biển quốc tế, giúp tàu thuyền không phải đi qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi, rút ngắn 6000 km, tránh cướp biển và giảm nhiều chi phí. Kênh đào Suez được coi là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới, đóng vai trò trong việc tạo điều kiện cho thương mại toàn cầu.
Kênh đào Suez ngày nay nhìn từ trên cao. |
Đặc điểm của kênh đào Suez là kênh điều hướng dài nhất trên thế giới không đóng cửa bao giờ và điều hướng được thực hiện cả ngày lẫn đêm; tỷ lệ tai nạn dọc kênh này hầu như không xảy ra; cho phép các tàu chở dầu thô khổng lồ qua. Không chỉ góp phần thúc đẩy giao thương, từ góc độ phòng thủ và chiến lược, kênh đào Suez được sử dụng như một cửa ngõ cho các tàu quân sự từ Địa Trung Hải đến Biển Đỏ. Chạy dọc kênh đào được bảo vệ nghiêm ngặt bởi quân đội Ai Cập.
Để tăng cường hiệu quả của kênh Suez và tăng nguồn thu, cũng như cho phép các con tàu trọng tải hiện đại lớn có thể đi qua, năm 2014, Ai Cập đào một tuyến kênh đào Suez mới chạy song song với tuyến kênh đào Suez cũ. Kênh Suez mới có tổng chiều dài 72 km với tổng kinh phí 8,5 tỷ USD và đã hoàn thành trong vòng một năm. Kênh mới giảm thời gian chuyển hướng cho tàu từ khoảng 18-22 giờ xuống còn 11 giờ, và cắt giảm thời gian chờ đợi của tàu xuống còn 3giờ so với trước đó từ 8 - 11 giờ.
Các tàu hàng qua kênh Suez - Ảnh Meobserver. |
Năm 2018, khoảng hơn 70.000 tàu với kỷ lục 4,2 tỷ tấn đã đi qua kênh kể từ khi khánh thành. Kênh mới ghi nhận số lượng tàu qua lại cao nhất trong một ngày với 81 tàu mang theo 6,1 triệu tấn hàng hóa. Đây là số lượng tàu quá cảnh cao nhất trong một ngày cho đến nay.
Tàu du lịch siêu hạng hoàng gia Royal Carribean (Mỹ) - tàu du lịch lớn nhất thế giới có sức chứa hơn 4.200 hành khách và thủy thủ đoàn lên tới 1.500 người đã đi qua kênh đào Suez hay tàu Megamax 24 - một trong những tàu container lớn nhất thế giới có sức chứa 23.000 container cũng đã qua kênh gần đây.
Kênh đào Suez ngày nay đã tạo một bước phát triển mạnh mẽ cho khu vực Suez và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia Ai Cập thành một trung tâm thương mại, hậu cần toàn cầu.
Tàu hàng qua kênh Suez - Ảnh Reuters |
Hiện nay có khoảng 12% khối lượng thương mại thế giới lưu chuyển qua kênh suez. Ai Cập kỳ vọng dự án đã tăng năng lực của kênh lên 97 tàu vào năm 2023 với doanh thu tăng 259% vào năm 2023 là hơn 13,2 tỷ USD so với doanh thu hiện tại là 5,3 tỷ USD.
Hiện, có khoảng 25 tỷ USD đầu tư vào 192 dự án trong Khu kinh tế kênh đào Suez và sẽ tăng thêm 55 tỷ USD trong 15 năm tới mang lại một triệu cơ hội việc làm cho thanh niên. Ai Cập cũng đang xây một bảo tàng về kênh đào này ở thành phố Ismailia tại cơ sở lịch sử của Công ty Kênh đào Suez./.
Kênh Suez giảm doanh thu do thương mại toàn cầu