Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Italy, ngày 23/3, chính phủ Italy đã chính thức ký kết với các đối tác Trung Quốc một loạt các bản ghi nhớ và hợp đồng để đưa Italy trở thành quốc gia G7 đầu tiên tham gia vào đại dự án đầy tham vọng “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

italy_china_jhco.jpg
Lãnh đạo Trung Quốc và Italy chứng kiến lễ ký kết. (Nguồn: AFP).

Cụ thể, tổng cộng 29 hợp đồng và nghị định thư đã được Italy ký kết với Trung Quốc, trong đó 2/3 văn bản là liên quan đến các hợp tác thể chế. Theo chính phủ Italy, các văn bản ký kết này có giá trị 2,5 tỷ euro và có thể nâng lên tới 20 tỷ euro do trong số này nhiều văn bản được ký dưới dạng nghị định thư không có giá trị ràng buộc.

Đáng chú ý nhất trong số các ký kết là việc các tập đoàn Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh hơn vào 2 cảng biển của Italy là Genoa và Trieste, nơi được coi là cửa ngõ hàng hải để hàng hoá Trung Quốc tiến vào thị trường châu Âu. Ngoài ra, các tập đoàn Ansaldo và Danieli của Italy cũng sẽ tham gia với các đối tác Trung Quốc trong việc xây dựng một nhà máy luyện kim trị giá 1,1 tỷ euro ở Azerbaijan.

Để đổi lại sự tham gia của Italy, phía Trung Quốc đã đồng ý mở cửa thị trường đại lục đối với sản phẩm cam của Italy, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, xúc tiến việc kết nghĩa giữa các thành phố Italy và Trung Quốc cũng như hợp tác trong lĩnh vực thể thao.

Phát biểu tại các lễ ký kết giữa Italy và Trung Quốc, Phó Thủ tướng Italy, đồng thời là thủ lĩnh đảng “Phong trào 5 sao” Luigi Di Maio tuyên bố, đây là thời điểm để thay đổi tính chất mối quan hệ giữa Italy và Trung Quốc.

“Đúng là Italy đã là nước đầu tiên tham gia vào con đường tơ lụa của Trung Quốc nên vào thời điểm này thì các nước châu Âu khác đang nghi ngại các quyết định về thương mại của chúng tôi. Họ đang chỉ trích chúng tôi, và họ có quyền làm điều đó. Nhưng có người ở Mỹ đang kêu gọi “nước Mỹ là trên hết” và tôi cũng sẽ nói “Italy là trên hết” trong quan hệ thương mại, dù chúng tôi không muốn vượt mặt các đối tác châu Âu và chúng tôi vẫn sẽ giữ vững quan hệ đồng minh châu Âu-Đại Tây Dương cũng như là đồng minh của Mỹ trong NATO”, ông Luigi Di Maio nói.

Trong những ngày gần đây, trước quan điểm của chính phủ Italy, một loạt các nước châu Âu đã lên tiếng chỉ trích việc Italy đơn phương hành động trong quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron cho biết ông bi quan về cách tiếp cận của Italy với Trung Quốc còn Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho rằng châu Âu cần có chính sách thống nhất với Trung Quốc. Theo kế hoạch, sau khi thăm Italy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Monaco rồi chính thức thăm Pháp từ ngày 24/3.

Ngày 26/3, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Paris./.