Một ngày trước khi lên đường tới Italy, bắt đầu chuyến thăm chính thức châu Âu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/3 tuyên bố sẵn sàng tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược với “đất nước hình chiếc ủng”.

tap_can_binh_xktv.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã.

Việc ông Tập Cận Bình chọn Italy là chặng dừng chân đầu tiên không phải là ngẫu nhiên, nhất là sau khi Italy mới đây đã trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 quyết định tham gia dự án “Con đường tơ lụa”. Đây là dự án mang nhiều tâm huyết của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Truyền thông Italy hôm 20/3 đăng tải bài viết của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó nhấn mạnh thông qua chuyến thăm Italy lần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ cùng với các nhà lãnh đạo Italy phác thảo những đường hướng lớn cho mối quan hệ song phương và đưa mối quan hệ này bước vào kỷ nguyên mới. Trung Quốc mong muốn tăng cường phối hợp với Italy trong các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu và nhiều chủ đề quan tâm khác tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20).

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Siêu nhấn mạnh, chuyến thăm sẽ góp phần đưa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Italy, cũng như giữa Trung Quốc và châu Âu bước vào một kỷ nguyên mới.

Ông Vương Siêu nói: “Chuyến thăm châu Âu lần này là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong việc thúc đẩy, cũng như đưa quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu bước vào một kỷ nguyên mới, tạo ra không gian mới cho hợp tác Vành đai và Con đường, đóng góp cho hòa bình và phát triển của thế giới”.

Chuyến thăm châu Âu kéo dài 6 ngày này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào một thời điểm khá đặc biệt, giữa lúc châu Âu còn đang bối rối và thậm chí là chia rẽ trong những vấn đề liên quan đến Tập đoàn viễn thông Huawei, cũng như dự án “Con đường Tơ lụa”. Trước đó chỉ 1 tuần, Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch nhằm tái cân bằng các mối quan hệ với Trung Quốc, trong đó coi Trung Quốc như một “đối thủ”, dù nước này lâu nay vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của khối.

Trong thời gian lưu lại Italy, Nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến sẽ tham dự lễ ký biên bản ghi nhớ dánh dấu sự tham gia của quốc gia Địa Trung Hải này vào dự án “Con đường tơ lụa”.

Được chính phủ Trung Quốc công bố hồi năm 2013, dự án là nhằm cải thiện khả năng kết nối giữa châu Á, châu Âu và châu Phi. Quyết định của Italy trở thành thành viên đầu tiên của nhóm G7 tham gia dự án của Trung Quốc đã khiến các nước đồng minh bối rối. Bởi tới nay, một số nước, đặc biệt là các nước Tây Âu vẫn hoài nghi về ý định của Trung Quốc, coi dự án này là phương tiện để nước này mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tuần trước đã chỉ trích mạnh mẽ bước đi của Italy, cho rằng, châu Âu phải có cách tiếp cận phối hợp trong vấn đề này.

Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng diễn ra vào thời điểm Mỹ đang gia tăng sức ép với các đồng minh châu Âu nhằm buộc những nước này không sử dụng các trang thiết bị của Tập đoàn viễn thông Huawei. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, chuyến thăm châu Âu lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc mang nhiều mục đích, không chỉ là mang dự án “Con đường tơ lụa” đi tới châu Âu, mà còn là câu trả lời cho những hoài nghi của châu lục và cả những sức ép của Mỹ. Sau Italy, ông Tập Cận Bình sẽ tới Monaco và cuối cùng là Pháp./.