Một trong những nội dung quan trọng nhất trong Hiến pháp Italy và cũng định hình “bản sắc” chính trị Italy nhiều thập kỷ qua là cơ chế nhị viện “hoàn hảo” sẽ được người dân Italy quyết định huỷ bỏ hay giữ nguyên.

renzi_tput.jpg
Thủ tướng Italy Renzi và phu nhân tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: AP

Cơ chế này, theo đó Thượng viện và Hạ viện có quyền lực ngang nhau, cả hai đều có quyền bãi bỏ các bộ luật, bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ và bãi miễn chính phủ, được xem là một trong những đặc trưng của nền chính trị Italy nhưng cũng bị coi là nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn chính trị triền miên ở quốc gia Nam Âu này.

Kể từ sau Thế chiến II, do cơ chế nhị viện này mà Italy luôn là một trong những nước thay đổi chính phủ nhiều nhất. Tổng cộng đã có 62 chính phủ và 25 đời Thủ tướng lãnh đạo Italy, trung bình mỗi chính phủ chỉ tại vị được 361 ngày.

Vì lí do này nên ngay khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Italy, Matteo Renzi đã tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân để cải cách Hiến pháp, qua đó xoá bỏ cơ chế nhị viện.

Theo dự luật cải cách mà ông Renzi đưa ra, quyền lực của Thượng viện Italy sẽ bị giảm đi rất nhiều. Con số 315 thượng nghĩ sĩ hiện nay sẽ giảm xuống còn 100 người, bao gồm 21 thị trưởng, 74 uỷ viên hội đồng vùng và 5 người khác do Tổng thống Cộng hoà Italy chỉ định.

Quan trọng hơn, Thượng viện Italy sẽ không còn quyền bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ và sẽ chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc xây dựng các bộ luật. Trong khi đó, Hạ viện, với 630 nghị sĩ, sẽ vẫn giữ nguyên.

Cải cách Hiến pháp này được xem là tham vọng rất lớn của ông Matteo Renzi nhằm hiện đại hoá nền dân chủ bị xem là có rất nhiều điểm bất cập của Italy, phá vỡ truyền thống chính trị bế tắc ở nước này, đồng thời giảm gánh nặng tài chính cho quốc gia bởi với mức lương trung bình 15.000 euro/tháng, các Thượng nghị sỹ Italy nằm trong số những Thượng nghị sĩ được trả lương cao nhất châu Âu.

Vì lí do đó, cuộc trưng cầu ý dân tổ chức hôm nay được xem là cực kỳ quan trọng bởi nếu người dân Italy bỏ phiếu “CÓ” với cải cách Hiến pháp, nền chính trị Italy sẽ có những thay đổi quan trọng.

Tuy nhiên, cho đến trước thời điểm bỏ phiếu thì các cuộc trưng cầu ý dân ở Italy cho thấy phe ủng hộ bỏ phiếu “KHÔNG” với cải cách Hiến pháp, dẫn đầu bởi Phong trào 5 sao của chính trị gia Beppe Grillo, đang chiếm ưu thế.

Đây được xem là rủi ro lớn cho ông Matteo Renzi bởi đương kim Thủ tướng Italy tuyên bố nếu cuộc trưng cầu ý dân thất bại (tức phe phản đối thắng) thì ông sẽ từ chức.

Đó cũng được xem là lí do mà các đối thủ chính trị của ông Renzi như Beppe Grillo, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi hay lãnh đạo đảng ly khai Liên đoàn phương Bắc, Matteo Salvini, tập trung vận động dân chúng Italy bỏ phiếu “Không” với dự luật cải cách Hiến pháp của ông Renzi./.