Trong tuyên bố của mình, ICRC cho biết mặc dù cửa khẩu Even giữa Israel và Gazavẫn mở để các nhân viên cứu trợ và người nước ngoài rời khỏi vùng lãnh thổ này, song đội cứu trợ của ICRC đã phải đợi từ sáng 2/1 mà vẫn chưa được phép vào Gaza. ICRC đã báo trước cho nhà chức trách Israel về hành trình của nhóm cứu trợ, gồm 4 nhân viên y tế và chuyên gia phẫu thuật, tới bệnh viện Shifa ở Dải Gaza, nơi nhiều người bị thương trong các vụ ném bom của Israel đang chờ được phẫu thuật.
Cùng ngày, Uỷ ban châu Âu (EC) đã kêu gọi Israel tôn trọng luật lệ quốc tế và cho phép tiếp cận những thường dân Palestine“đang khốn khổ và hấp hối” vì các cuộc tấn công của Israelvào Dải Gaza.
Trong một thông báo, Ủy viên Cứu trợ Nhân đạo của EC Louis Michel nhấn mạnh: “Một triệu rưỡi con người đang chen chúc trong một khu vực chỉ bằng khoảng hơn 1% diện tích nước Bỉ. Họ chỉ dựa vào các nguồn cung cấp từ bên ngoài để sống sót và mỗi ngày qua đi, tình cảnh của họ càng tuyệt vọng”. Ông Michel cho rằng cản trở việc tiếp cận với những người dân “đang khốn khổ và hấp hối” cũng là vi phạm luật nhân đạo.Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố sẽ viện trợ khẩn cấp 3 triệu ơ-rô (4,2 triệu USD) cho người dân Dải Gazavà thúc giục Israel dành ra một “khu nhân đạo” để chuyển hàng cứu trợ. Theo ông Michel, viện trợ của EU sẽ được triển khai nhanh nhất có thể nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc không kích của Israel.Ai Cập ngày 4/1 cũng kêu gọi mở các hành lang nhân đạo ở Gaza để chuyển lương thực và thuốc men cho người dân Palestine, trong bối cảnh các vụ không kích của Israel khiến cửa khẩu Rafah, giữa Ai Cập và Gaza, bị đóng.
Ai Cập đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và ngoại trưởng 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, đề nghị xem xét vấn đề này. Liên quan tới các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột Trung Đông, ngày 4/1, Nga tuyên bố “vô cùng quan ngại” trước việc Israelđưa bộ binh tấn công Dải Gaza và cho biết đã cử phái viên của Tổng thống Dmitry Medvedev, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Saltanov, đến Trung Đông để dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn.Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định điều quan trọng là phải chấm dứt sự đau khổ của người dân cả hai phía, kết thúc đổ máu đồng thời đạt được một lệnh ngừng bắn song phương. Nga cũng kêu gọi Israeldỡ bỏ phong tỏa Gaza và mở các trạm kiểm soát nhằm ngăn chặn một thảm họa nhân đạo trên diện rộng.
Trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối cuộc tấn công đẫm máu của Israelvào Dải Gaza, làm hơn 485 người thiệt mạng, tiếp tục lan rộng. Ngày 4/1, tại Istalbun (Thổ Nhĩ Kỳ), hàng trăm nghìn người đã đổ ra đường để tham gia biểu tình tại quảng trường Caglayan ở trung tâm Istalbun dưới trời mưa phùn. Theo các nhà tổ chức, có tới 700.000 người tham gia phản đối.Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày đã lên án cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza là "không thể chấp nhận" được và kêu gọi Israel phải chấm dứt ngay cuộc tấn công này. Tại Indonesia, ngày 4/1, tại thủ đô Jacarta, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối các cuộc tấn công quân sự của Israel.
Những người biểu tình đã tập hợp tại Quảng trường Monas và Khách sạn Indonesia ở trung tâm, mang theo những bức ảnh phụ nữ và trẻ em Palestine bị giết hại hoặc bị thương trong các đợt không kích của Israel. Trong ngày 4/1, cuộc biểu tình phản đối Israel cũng diễn ra tại một loạt thành phố khác ở các tỉnh Tây Java, Đông Java, Trung Java, Nam Calimantan và Nam Sumatra.
Tại Canada đưa tin hàng nghìn người dân Canada ở các thành phố như Ottawa, Toronto, Vancouver ngày 4/1 đã xuống đường biểu tình, mang theo biểu ngữ và cờ Palestine để phản đối việc quân đội và xe tăng Israel tấn công vào Gaza. Theo dự kiến, một cuộc tuần hành bày tỏ tình đoàn kết với Palestine sẽ diễn ra tại Montreal vào ngày 5/1./.