Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mạng và Nội địa thuộc Đại học George Washington (Mỹ) đã điều tra sự hiện diện của những người Mỹ ủng hộ IS trên mạng truyền thông xã hội và phát hiện ra rằngIS đã xâm nhậpnước Mỹ ở mức độ chưa từng thấy.

is_my_1_crdk.png
Ảnh: CNN.

Giới chức Mỹ được cho là có biết 250 người Mỹ đã cố gắng sang lãnh thổ của IS ở Syria và Iraq – một số thành công, số khác thì không.

Theo báo cáo này, có 900 cuộc điều tra nhằm vào các đối tượng ủng hộ IS ở tất cả 50 bang của nước Mỹ.

Đa phần các cảm tình viên của IS mà Trung tâm nói trên phát hiện đều còn trẻ - độ tuổi trung bình là 26 và đến 86% trong số họ là nam giới.

Một nửa trong số đối tượng này đã cố gắng ra nước ngoài, 27% dính líu vào các âm mưu mở các cuộc tấn công vào nước Mỹ. Nhiều kẻ sinh ra ở Mỹ và không có tiền sử cực đoan.

Mặc dù đa phần những kẻ cực đoan hoạt động trên mạng internet, Trung tâm này cũng tìm thấy bằng chứng về những vụ tụ tập gặp mặt trực tiếp của các nhóm cực đoan như vậy. Khoảng 40% trong số những người được khảo sát là những kẻ cải đạo sang Hồi giáo.

Ảnh: Trung tâm An ninh Mạng và Nội địa.

Một đối tượng được đưa vào báo cáo là một thiếu niên tên là Nader Saadeh, sống ở New Jersey và đóng vai trò trong việc cực đoan hóa Munther Omar Saleh – một thiếu niên khác đến từ Queens, New York. Cậu ta còn lôi kéo thêm 3 người nữa vào trong vòng ma quái của mình, bao gồm cả anh trai. Nhóm các thiếu niên này đã bắt đầu việc chia sẻ các thông tin tuyên truyền của IS.

Nhóm này lên kế hoạch gia nhập tổ chức IS. Thế rồi giới chức Jordan bắt giữ được Saadeh sau khi tên này đi Amman. FBI thì bắt được 4 người còn lại trong số các bạn hữu của Saadeh ở khu vực New York.

Ngoài ra còn có các “chiến binh bàn phím” chuyên phát tán các tuyên truyền của IS trên mạng Twitter và các công cụ truyền thông xã hội khác trong thời gian sống ở Mỹ.

Báo cáo cho biết các cá nhân tham gia vào nhóm này khác nhau về chủng tộc, độ tuổi, tầng lớp xã hội, học vấn và xuất thân gia đình. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu tìm thấy một điểm xúc tác chung khiến những người trở nên cực đoan, đó là nội chiến tại Syria.

Báo cáo có đoạn: “Trong nhiều trường hợp mà nhóm của chúng tôi đã nghiên cứu, có một thứ tình cảm chung đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các thanh niên Mỹ quan tâm đến và dành nhiều thời gian công sức cho xung đột ở Syria. Nhiều người tức giận trước cách thức Tổng thống Assad đối phó với phe nổi dậy Syria cũng như trước sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế.”/.