Từ nhiều ngày nay, quân đội Iraq đã phát động một chiến dịch quy mô tại những khu vực lân cận thành phố Tikrit và hiện chỉ còn cách thành phố chiến lược này khoảng 20km.

nha_nuoc_hoi_giao_is_hddp.jpgLính IS đắc thắng trên chiến trường (ảnh: IB Times)
Tuy nhiên, chiến dịch được xem là quy mô lớn nhất của Iraq kể từ khi bắt đầu cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo này lại mang nhiều dấu ấn của Iran, thay vì Mỹ như những chiến dịch trước đó.

Từ ngày 2/3, quân đội Iraq đã tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát đối với thành phố Tikrit, quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein.

Trận chiến tại Tikrit được xem là sự chuẩn bị cho một chiến dịch lớn được lên kế hoạch vào tháng 4 và tháng 5 tới nhằm giành lại Mosul, thành phố lớn có đông người Sunni sinh sống ở miền Bắc Iraq và bị Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng từ giữa năm 2014.

Vốn được xem là “căn cứ địa” của người Sunni và là quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein, Tikrit nằm trên tuyến đường nối thủ đô Baghdad và Mosul. Theo chính phủ Iraq, khoảng 30.000 binh sĩ và máy bay đã được huy động cho chiến dịch được xem là lớn nhất kể từ khi Nhà nước Hồi giáo giành quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq hồi giữa năm ngoái. Ngoài ra, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cũng tham gia vào cuộc tấn công này.

Theo các nhà phân tích, sự can dự trực tiếp của các lực lượng Iran không phải là điều gì mới mẻ. Bởi Iran là nước đầu tiên hỗ trợ người Kurd trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo khi nhóm cực đoan này đe dọa đánh chiếm thành phố Erbil, vốn được xem là thủ đô của người Kurd hồi giữa năm ngoái. Song sự can dự này lại khiến người Mỹ nóng mặt, quốc gia vẫn tự xem là dẫn đầu trong chiến dịch quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Hiện, chính phủ tại Iraq do người Shiite nắm đa số và lực lượng dân sự Shiite được Iran vũ trang chiếm khoảng 2/3 các lực lượng Iraq.

Phát biểu trước Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ ngày hôm qua (4/3), Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey thừa nhận, dù việc Iran hỗ trợ quân sự cho các tay súng người Shiite ở Iraq không phải là điều mới, song động thái này của Iran đã được công khai hơn nhiều và cũng là rõ ràng nhất từ trước tới nay, với pháo binh và nhiều phương tiện hỗ trợ khác. Ông này cũng nhấn mạnh, sự hỗ trợ này của Iran là tích cực nếu việc này không dẫn đến sự chia rẽ sắc tộc tại Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng chia sẻ quan ngại này về khả năng chia rẽ giáo phái do sự hỗ trợ của Iran đối với các tay súng Shiite.

Ông Carter nói: “Iraq không yêu cầu Mỹ hỗ trợ quân sự trong chiến dịch tái chiếm Tikrit song Mỹ vẫn kiểm soát tốt tiến trình chung của chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo. Chúng ta cần phải giành chiến thắng trước Nhà nước Hồi giáo, song chúng ta cũng phải tránh nguy cơ Iraq một lần nữa rơi vào cuộc chiến giáo phái. Vì thế, chúng tôi luôn theo dõi chặt chẽ tình hình.”

Những tuyên bố này được đánh giá là hiếm thấy do các tướng Mỹ ít khi thảo luận công khai về các động thái của Iran tại Iraq nhằm thể hiện lập trường Mỹ không hợp tác với Iran trong lĩnh vực quân sự trong bất kỳ trường hợp nào kể cả khi có chung kẻ thù. Tuy nhiên, trong một phát biểu chung sau buổi điều trần, các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đã cảnh báo về mối đe dọa do ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran ở Iraq cho rằng việc Iran hỗ trợ các lực lượng Shiite có thể làm chệch hướng cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo của Mỹ.

Trong bối cảnh này, nhiều nhà phân tích đều có chung nhận định, việc giành lại các thành phố như Tikrit hay Mosul sẽ là khó khăn. Bởi nếu chỉ về mặt quân sự, thì nó sẽ diễn ra trong một thời gian ngắn, song về mặt chính trị thì nó lại có thể làm trầm trọng hơn những chia rẽ sắc tộc tôn giáo tại Iraq và cả các mối quan hệ tại khu vực./.