Nhằm thu hút sự chú ý cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (13/9) tiếp tục tới Ai Cập để thảo luận với các nhà lãnh đạo khu vực về vấn đề này. Trong khi đó, với những cuộc không kích hỗ trợ của Mỹ, các lực lượng Iraq đang ngăn được bước tiến của Nhà nước Hồi giáo. Song, đây cũng là “con dao 2 lưỡi” buộc các nhà lãnh đạo Iraq phải lên tiếng cảnh báo vì con số thương vong bao gồm cả người dân thường.
Mỹ tiếp tục khẳng định quyết tâm tiêu diệt đến cùng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên những phần lãnh thổ tại Iraq và Syria. Trong bài phát biểu hàng tuần trên Đài phát thanh hôm qua (13/9), Tổng thống Obama đã nhắc lại chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo là xây dựng một liên minh quốc tế cho cuộc chiến này và nhấn mạnh đây không phải là “cuộc chiến của một mình nước Mỹ”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua tới Ai Cập, tiếp tục chuyến công du Trung Đông, nhằm tham vấn với các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực để tìm kiếm sự ủng hộ đối với việc thành lập một liên minh chống khủng bố.
Ông Kerry đã có cuộc thảo luận với Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil al-Araby và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ai Cập cũng như thế giới Arab trong cuộc chiến chống lại tư tưởng cực đoan của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Ngoại trưởng Mỹ nói: “Ai Cập đang đứng trước mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt là các nhóm cực đoan trên bán đảo Sinai. Đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ nỗ lực của chính phủ Ai Cập trong cuộc chiến này. Tháng trước, chúng tôi đã tuyên bố ý định cung cấp cho quân đội Ai Cập 10 trực thăng chiến đấu Apache. Thực tế là, vấn đề chỉ là thời gian trước khi mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố tại nơi nào đó trở thành mối đe dọa khủng bố toàn cầu”.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri cho rằng Nhà nước Hồi giáo có sự liên hệ với các nhóm phiến quân khác trong khu vực và cần phải có hành động toàn cầu để đối phó với mối đe dọa này. Ai Cập kêu gọi sự ủng hộ quốc tế cho chiến lược của Mỹ nhằm tiêu diệt tận gốc Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria. Không chỉ có được sự ủng hộ quan trọng của Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước đó một ngày cũng nhận được ủng hộ của 10 quốc gia Arab, trong đó có 6 nước vùng Vịnh, cùng với Jordan và Lebanon…
Để khẳng định quyết tâm quét sạch lực lượng khủng bố, trong những tuần gần đây, Mỹ đã tiến hành hơn 150 cuộc không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Tuy nhiên, việc dân thường Iraq bị thương vong đã buộc các nhà lãnh đạo nước này phải lên tiếng.
Chủ tịch Quốc hội Iraq Salim al-Jabouri nêu rõ: “Điều kiện duy nhất của chúng tôi là các cuộc không kích do Mỹ thực hiện phải chính xác. Các mục tiêu phải được chắc chắn rằng đó là Nhà nước Hồi giáo hay lực lượng khủng bố. Chúng tôi phản đối các cuộc tấn công thiếu chiến lược quân sự dẫn đến sự thương vong của người dân Iraq. Điều này còn khiến cho lòng thù hận ngày càng gia tăng”.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm qua (14/9) cũng đã ra lệnh cho quân đội ngừng pháo kích các khu dân cư bị nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng chiếm giữ. Quyết định này nhằm ngăn chặn việc "các nạn nhân vô tội" bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công đẩy lui lực lượng cực đoan khỏi các khu vực và thành phố mà chúng kiểm soát. Sau tuyên bố này, Liên Hợp Quốc đã hoan nghênh cam kết bảo vệ người dân của Thủ tướng al-Abadi.
Giao tranh giữa lực lượng an ninh Iraq, với hỗ trợ của Mỹ và các phần tử nổi dậy đã gây thiệt hại to lớn cho người dân tại những khu vực bị quân nổi dậy chiếm giữ kể từ tháng 6 vừa qua. Ngoài tiến hành các tội ác man rợ nhằm vào dân thường, Nhà nước Hồi giáo cũng bắt giữ hàng trăm binh sĩ Iraq, Syria nhằm đòi tiền chuộc hoặc sát hại các con tin. Thủ tướng al-Abadi tố cáo tổ chức cực đoan này lợi dụng dân thường làm lá chắn để ngăn cản các cuộc tấn công của lực lượng an ninh Iraq. Song ông vẫn cam kết duy trì các chiến dịch truy quét Nhà nước Hồi giáo tự xưng./.
>> Xem thêm: Hậu khủng bố 11/9, Mỹ gặp phải “vỏ dừa” khủng bố Hồi giáo IS